Biểu tình trước Đại sứ quán CSVN
Sau nghi thức chào cờ Việt, Đức và mặc niệm bắt đầu lúc 12 giờ 45 ngày 10 Tháng 12, 2016. Bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, Chủ Tịch Liên Hội Người Việt Tị Nạn CS tại CHLB Đức (Liên Hội) bắt đầu ngày sinh hoạt kỷ niệm QTNQ lần thứ 68 năm nay bằng một bài diễn văn ngắn. Bà sơ lược ý nghĩa ngày QTNQ được Liên Hiệp Quốc long trọng ban hành vào ngày 10.12.1948 sau những đổ vỡ khốc liệt của trận Thế Chiến Thế Giới thứ hai.
Bà nhấn mạnh, dù đã đặt bút ký kết tôn trọng văn bản nền tảng có giá trị nhân văn toàn cầu này từ hơn 30 năm nay, nhà cầm quyền ĐCSVN vẫn không hề tôn trọng nhân phẩm và luôn luôn trấn áp người bất đồng chính kiến, người yêu nước một cách rất thô bạo.
Bà bày tỏ mong muốn người Việt trong và ngoài nước liên kết chặt chẽ với nhau hơn để giải quyết những vấn đề to lớn của đất nước.
Ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh, Hội Phó Ngoại Vụ của Liên Hội đảm trách phần Đức ngữ suốt ba phần của ngày sinh hoạt.
Phần biểu tình trước Tòa đại sứ CSVN năm nay được rút ngắn nên BTC chỉ dành phần phát biểu cho khách phương xa như bác sĩ Nguyễn Hoàng Bảo từ Bỉ, ông Nguyễn Minh Chính đại diện Cộng Đồng NVTN tại Strassbourg, Pháp Quốc.
Trên từ trái: Cụ Nguyễn Đình Tâm, Bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo
Dưới từ trái:Ông Nguyễn Minh Chính, Blogger Bùi Thành Hiếu (Người Buôn Gió)
BS Hoàng Bảo cho biết Khối Liên Hiệp Âu Châu năm nay đã dành hẳn hai trang thông báo để khuyến cáo tình trạng chà đạp nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tồi tệ. Kết quả này một phần đến từ những yêu cầu của các Cộng Đồng Người Việt.
Vị cao niên năm nay vào tuổi 95, cụ Nguyễn Đình Tâm cũng lại có mặt trong đoàn biểu tình, được BTC mời lên phát biểu. Cụ kêu gọi mọi người cùng „hất tảng đá“ CSVN đè lên vận mệnh Tổ Quốc bấy lâu nay để dân tộc hồi sinh.
Cụ Tâm xoay mặt về phía cổng ĐSQ CSVN và đọc bài thơ „Trong bóng đêm*“ của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện để khuyến cáo về ngày tàn kề cận của ĐCSVN trước những biến chuyển đang thuận lợi cho một sự thay đổi lớn ở Việt Nam.
Người phát biểu sau cùng trước khi mọi người kéo ra trung tâm Berlin là một blogger nổi tiếng: Người Buôn Gió Bùi Thanh Hiếu. Anh không dài dòng, khiêm nhường cho biết là anh rất cảm động khi đến tham dự buổi biểu tình. Ngoài ra, anh mong người Việt tận dụng được thành công sự thay đổi lớn trong hàng ngũ lãnh đạo Hoa Kỳ để „tình trạng nhân quyền được tốt hơn“.
Biểu tình trước Cổng Brandenburger (Tor)
Địa điểm sinh hoạt phần hai là quảng trường Pariser (Platz) nằm ngay Brandenburger Tor, một trong những điểm thu hút cả du khách lẫn dân Berlin. Đoàn biểu tình nhanh chóng tụ họp lại với nhiều cờ vàng và biểu ngữ, dụng cụ âm thanh và bắt đầu lúc 15 giờ như dự định.
Bá Linh đang trong không khí rộn ràng đón Giáng Sinh. Một cây thông cao hơn 10m được dựng lên ngay trung tâm quảng trường.
Ngoài người Việt, năm nay còn có vài sắc dân khác như A Phú Hãn cũng biểu tình cùng mục đích đòi tôn trọng nhân quyền.
Riêng đoàn Việt Nam giăng nhiều biểu ngữ có nội dung tố cáo nhà cầm quyền CSVN chà đạp nhân quyền, cầm tù nhiều người yêu nước như „Hãy thả tất cả tù nhân chính trị lập tức“, „Không khủng bố và dùng bạo lực đối với dân“, „Tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam“.
Đặc biệt sau 7 tháng thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra, nhiều biểu ngữ và khẩu hiện liên quan cũng đã được mọi người chú ý như „Formosa cút khỏi Việt Nam!“, „Trả lại biển sạch cho dân Việt Nam“, „không quên thảm họa Formosa“ bằng tiếng Đức, Anh và Việt …
Bầu trời Berlin lúc đó u ám, xám xịt như tình trạng nhân quyền Việt Nam. Đoàn biểu tình đã tuần hành vòng quanh quảng trường cùng đoàn bạn, lên tiếng tố cáo tình trạng nhân quyền tồi tệ với công chúng Đức. Đặc biệt, hai cô sinh viên Việt Nam Bảo Quyên và Bảo Quê đã đọc một bài diễn văn bằng tiếng Đức liên quan đến chủ đề ngày QTNQ.
Sau những sinh hoạt ngoài trời, đoàn đã cùng đến nhà thờ St. Aloysius để tiếp tục phần cuối.
Thánh lễ, hội thảo và văn nghệ đấu tranh
Phần cuối chương trình bắt đầu bằng Thánh lễ Công Giáo trong nhà thờ St. Aloysius do Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh từ trong nước ra và Linh Mục Đỗ Ngọc Hà đồng tế vào lúc 16 giờ.
Bên cạnh bài giảng, vấn đề môi trường mà thảm họa cá chết, biển Miền Trung bị hủy diệt mà thủ phạm không ai khác hơn là công ty Formosa với sự đồng lõa của ĐCSVN vì quyền lợi riêng tư ích kỷ đã nước nhắc đến nhiều lần.
Sau Thánh lễ và chụp hình lưu niệm cùng ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh, mọi người được Liên Hội mời dùng buổi cơm chiều nóng hổi và rất ngon miệng với hai món thịt kho trứng và cà ri gà. Ngoài ra các món bán ngọt, trái cây, cùng cà phê, trà, nước uống cũng được bày ra cho tất cả tham dự viên thưởng thức.
Khoảng 18g15 nghi thức chào cờ như buổi trưa được cử hành. Các vị cao niên đã cầu nguyện trước bàn thờ Tổ Quốc theo nghi thức Phật Giáo với sự hướng dẫn của cụ Nguyễn Đình Tâm.
Nghi thức thắp nến do Linh Mục chủ nhà Đỗ Ngọc Hà và ông Nguyễn Văn Rị hướng dẫn trong lời ca tiếng nhạc các bài Thánh ca do Ca đoàn Bá Linh trình diễn rất chuyên nghiệp và được kết thúc bởi bài „Kinh hòa bình“.
Vào phần thuyết trình và hội thảo chính, sau phần giới thiệu sơ về bối cảnh dự án dựng bảng tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg, một thành phố nhỏ gần Dresden, đang đối diện với sự phẫn nộ của cộng đồng người Việt tại Đức nói riêng. Cả chính giới Đức cũng không hiểu vì sao một hai chính trị gia Đức lại mặn mà với dự án nhằm vinh danh một „Massenmörder“ (kẻ giết người hàng loạt như Hitler, Stalin), lời ông luật sư Bernhard Bannasch, diễn giả chính của chương trình. Theo ông, những dữ kiện mà phía muốn vinh danh ông Hồ gồm đại sứ CSVN, các doanh nhân và ông dân biểu QH Andreas Lämmel đưa ra là không đúng, ví dụ như ở thời điểm ông Hồ đến Moritzburg là năm 1957 thì ở Miền Bắc Việt Nam không hề có cuộc chiến tranh nào.
LS Bannasch nêu đích danh hàng loạt Massenmörder theo chủ nghĩa cộng sản trên thế giới, kẻ đã giết vài triệu đến vài chục triệu người như Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Hồ Chí Minh…
Không thể vinh danh một kẻ giết 2 triệu người Việt trên đất nước tự do, tôn trọng nhân phẩm này, LS Bannasch cho biết sẽ sát cánh cùng cộng đồng người Việt để ngăn chặn dự án nhằm tuyên truyền cho chế độ CSVN này.
Sau những vận động, LS Bannasch thông báo cho cử tọa biết là xác suất hình thành dự án trái đạo lý này rất thấp nhưng ông yêu cầu người Việt ở Đức không nên chủ quan mà phải theo dõi kỹ diễn biến vì chế độ CSVN rất cần dự án này.
Trước khi LS Banannasch trở về nhà (gần 170km) BTC đã nồng nhiệt cám ơn thiện ý của ông và đã tặng hoa và ít quà Giáng Sinh cho LS Bannasch.
Bé Hoàng Chí Bảo đã làm bừng nóng hội trường với bài „Việt Nam tôi đâu“ của nhạc sĩ Việt Khang. Bé mới 6 tuổi và là công dân Bá Linh từ lúc lọt lòng mẹ.
Đề tài thứ hai của buổi hội thảo, ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh tập trung vào những thảm nạn môi sinh mà dân trong nước đang è cổ gánh chịu. ĐGM nói về vấn đề „sa mạc lương tâm“ của con người Việt Nam hôm nay đang thờ ơ, vô cảm với mọi vấn đề trong xã hội vốn liên quan trực tiếp đế sức khỏe và cuộc của mọi người.
Formosa chỉ là một trong những vấn nạn thảm khốc đó, ngoài việc nguồn nước, không khí và thực phẩm bị ô nhiễm trầm trọng.
Nói về bất công xã hội đang đầy rẫy, Ngài đưa ra ví dụ về một sinh viên mới đến Mỹ du học. Mới chập chững đến Mỹ và cần xe để đi lại, cậu sinh viên này đã làm chủ tiệm bán xe hơi vô cùng kinh ngạc khi mở „ví“ móc ra 80 ngàn USD tiền mặt để mua xe xịn.
Trong cả hai đề tài nhiều câu hỏi được cử tọa đặt ra và cuộc thảo luận đã diễn ra rất hào hứng, súc tích.
Món quà Liên Hội trao tặng cho ĐGM Micae HĐOanh đã được Ngài ưu ái tặng lại: bó hoa cho bé Bảo và khoản lộ phí cho BTC ngày sinh hoạt QTNQ.
Kết thúc ngày sinh hoạt là phần văn nghệ với những bài ca đấu tranh nồng nàn tình yêu quê hương do các anh chị em Ca đoàn Bá Linh đảm trách với tài điều khiển chương trình rất sống động và chuyên nghiệp của chị Kim./.
——————————–
* Trong bóng đêm – Nguyễn Chí Thiện
Trong bóng đêm đè nghẹt
Phục sẵn một mặt trời
Trong đau khổ không lời
Phục sẵn toàn sấm sét
Trong lớp người đói rét
Phục sẵn những đoàn quân
Khi vận nước xoay vần
Tất cả thành nguyên tử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét