Genève, ngày 14 tháng 2 năm 2016.
Tôi là Đặng Xương Hùng, từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam và ly khai
khỏi chế độ từ 10/2013. Hiện tôi đang tị nạn chính trị tại Thụy sĩ.
Tôi muốn viết thư ngỏ này để chia sẻ một vài tâm sự với quý đồng
bào, nhất là đối với những ai vẫn còn liên hệ và hợp tác với chính
quyền trong nước.
Đầu tiên, chúng ta nên cần nhất quyết khẳng định lại với nhau
rằng : sự hiện diện của chúng ta, hơn ba triệu người Việt nằm
rải rác khắp nơi trên toàn thế giới, là cuộc trốn chạy chế độ cộng
sản, đi tìm tự do và tìm sự khai sáng văn minh cho chính bản thân
chúng ta. Các quốc gia đã đón tiếp chúng ta cũng chỉ vì những lý do
nêu trên.
Tôi dự định viết thư ngỏ này đã lâu, với thắc mắc rằng : tại
sao chúng ta đang trốn chạy cộng sản, mà vẫn còn nhiều người tiếp
tục liên hệ, hợp tác và giúp đỡ chính quyền cộng sản trong
nước ? Một trong những lý giải của tôi, đó là : có
thể là họ nghĩ, chế độ cộng sản trong nước đã thay đổi, không còn
tính chất cộng sản như trước nữa.
Trước đây, tôi phần nào chia sẻ suy nghĩ này. Bản thân tôi cũng
luôn hy vọng, một ngày đẹp trời, chế độ cộng sản trong nước thay
đổi. Đó là điều đáng mừng cho dân tộc, cho đất nước. Nhưng tới nay,
thời điểm sau Đại hội đảng 12, chúng ta đã có thể khẳng định với
nhau rằng : đảng cộng sản không thay đổi và họ sẽ không bao giờ nghĩ đến việc
thay đổi.
Nội dung các văn kiện đại hội đảng và việc sắp xếp nhân sự vừa qua,
đưa đến cho tôi một kết luận rằng : đảng cộng sản Việt Nam chỉ
muốn xây dựng một Chế độ đảng trị vững mạnh, chứ họ không nghĩ tới việc xây dựng một Quốc gia Việt Nam hùng mạnh.
Đó là những kết luận chính, mà tôi mong muốn được chia sẻ cùng quý
đồng bào.
Do vậy, chớ nên nhầm lẫn rằng những nỗ lực của tất cả những
cá nhân đang liên hệ và hợp tác với chính quyền trong nước, là để
góp phần xây dựng đất nước, như đảng cộng sản đang tuyên truyền. Mà
đó chính là hành động gián tiếp giúp sức để đảng cộng sản củng cố
chế độ đảng trị của mình. Gián tiếp làm phương hại, gây khó khăn
cho phong trào đấu tranh của đồng bào trong nước. Gián tiếp
gây sự phân hóa không đáng có trong cộng đồng người Việt tại hải
ngoại. Đẩy xa mọi cố gắng mang lại dân chủ, nhân quyền cho đất
nước.
Một số đồng bào, còn ngây thơ bỏ tiền mua nhà tại Việt Nam, với
tính toán nào đó, cho một ngày mai còn rất xa vời. Mà họ chưa nhìn
thấy rằng, người dân trong nước đang bị cướp đất hàng ngày. Lực
lượng dân oan đang ngày càng đông đảo. Luật quy định: đất đai
là của toàn dân, chỉ để lòe bịp và che dấu thực tế hiển hiện, đất
đai là của đảng. Rất dễ một ngày nào đó, sẽ xuất hiện hàng loạt
Việt kiều oan !!!
Đảng và nhà nước đang dựa vào quỹ đất đai để « cải
thiện » sự yếu kém trong phát triển kinh tế. Sự giầu lên kinh
khủng của hàng ngũ tư bản đỏ hiện thời cũng phần lớn là từ đất đai.
Mở rộng vô tội vạ Hà nội cũng là nhằm để tăng quỹ đất, tăng giá đất
ruộng đồng của nông dân, biến thành những dự án béo bở. Nguy cơ mất
nước cũng sẽ từ đây mà ra.
Thư cũng đã dài, để kết thúc ở đây, tôi xin viết lại một câu chuyện
của người Indiens Nam Mỹ. Câu chuyện như sau:
« Khu rừng bị cháy. Mọi con vật đều tìm cách để thoát thân. Chỉ riêng có chú chim sâu nhỏ, bay đi, bay lại tìm nước, và mang trong mỏ của mình giọt nước nhỏ bé thả xuống khu rừng. Nhìn thấy như vậy, con Tatou đã hỏi: - Này chim sâu, bạn đang làm gì vậy, bạn tưởng là bạn sẽ dập tắt đám cháy bằng những giọt nước đó ư? Chim sâu trả lời : - Không, tôi không tin như vậy, nhưng tôi đang làm phần việc của mình. »
Từ bỏ đảng, ly khai khỏi chế độ, tôi cũng chẳng hề hy vọng làm yếu
đi đảng cộng sản, lại càng không hề nghĩ sẽ làm sụp đổ được chế độ
cộng sản, mà chỉ đơn thuần là hành động - hành động theo con tim
mình mách bảo.
Cứ mỗi độ xuân về, hàng triệu đồng bào hải ngoại lại mong ngóng một
ngày được trở về trên mảnh đất quê hương thanh bình. Bất hợp tác
với chế độ hiện thời là « giọt nước nhỏ của chú chim
sâu » mà tôi thông qua thư ngỏ này, gửi lời tâm sự chân thành
đến tất cả quý đồng bào tị nạn cộng sản Việt Nam ở khắp năm châu.
Xin gửi đến quý đồng bào lời chúc an lành cho Xuân Bính Thân 2016.
Đặng Xương Hùng *
*Nguyên lãnh sự Việt cộng ở Genève ( cùng gia đình, đã xin tị nạn tại Thụy Sĩ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét