Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

TƯỞNG NIỆM GIÁO SƯ VŨ VĂN MẴU

Hôm nay vừa tròn 100 năm ngày sinh của Giáo sư Vũ Văn Mẫu (25/7/1914 - 25/7/2014).

LS Lê Công Định
Là một học giả lỗi lạc về luật pháp và chính trị gia nổi tiếng trước năm 1975 tại miền Nam, ông từng là Thượng nghị sĩ, Ngoại trưởng và Thủ tướng của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, ngoài ra ông còn là Khoa trưởng và Giáo sư thực thụ của Đại học Luật khoa Sài Gòn. Ông qua đời năm 1998 tại Paris.



                                                                             Giáo sư Vũ Văn Mẫu (1914-1998)


Giáo sư Vũ Văn Mẫu có kiến thức uyên bác về cựu và tân học, biết nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Latin và Hán. Ông biên soạn nhiều tác phẩm luật học và văn chương rất giá trị bằng tiếng Việt, mà cho đến nay chưa ai có thể so sánh. Nhiều luận thuyết của ông được các giáo sư luật đối chiếu danh tiếng thế giới như René David và John E.C Brierley trích dẫn trong các tác phẩm của mình.

Tôi chịu nhiều ảnh hưởng của ông thông qua các tác phẩm ông để lại, từ sách, giảng văn, bài viết đăng trên tạp chí, đến cả luận án tiến sĩ luật mà ông đệ trình tại Pháp. Nhớ năm 1989 tôi tốt nghiệp trường luật XHCN, đầy tự tin vì là sinh viên giỏi thêm chịu khó học hỏi và tích lũy kiến thức. Trong công việc đầu tiên của mình sau khi ra trường, trợ lý Trưởng Phòng Công chứng Nhà nước, tôi được tiếp xúc kho tư liệu và thư viện của Phòng Chưởng khế Sài Gòn trước năm 1975. Thú thật, khi đọc các văn kiện pháp lý và chứng thư công chứng được soạn bằng tiếng Việt và tiếng Pháp trong kho tàng ấy, tôi đã hiểu từ mơ hồ đến … không hiểu gì cả.

Nhanh chóng nhận ra rằng mình đã hoàn toàn không được trang bị những quan niệm nền tảng của một nền học thuật pháp lý đúng nghĩa, tôi lập tức tìm đến các hiệu sách cũ còn bày bán các sách, giảng văn và tạp chí luật được ấn hành tại Sài Gòn trước đây. Một trong những tác giả mà tôi đọc nhiều nhất chính là Giáo sư Vũ Văn Mẫu, hầu như mọi trước tác của ông bằng tiếng Việt và tiếng Pháp tôi đều đọc đi đọc lại nhiều lần, thậm chí học được cả cách hành văn chính xác, ngắn gọn song trau chuốt từ ông.

Năm 1993 lần đầu tiên được diện kiến Giáo sư Vũ Văn Mẫu tại tư gia trên đường Sương Nguyệt Ánh, nhờ tháp tùng thầy của tôi là Tiến sĩ luật Đào Quang Huy (Đại học Luật khoa Sài Gòn), tôi thật ấn tượng về nếp sống bình dị và phong thái tự tại của một bậc đại trí ẩn dật như ông. Ông kể lại việc đệ trình luận án tiến sĩ luật vào năm 1948 và sau đó thi bằng Agrégation (Thạc sĩ luật) khó khăn như thế nào để làm giáo sư luật tại Pháp. Ông cũng thuật lại nhiều sự kiện hậu trường lúc đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng dưới thời cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và giữ cương vị Thủ tướng trong chính quyền của cố Tổng thống Dương Văn Minh.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/192253-sach-400.jpg

Tập luận án tiến sĩ luật mà Giáo sư Vũ Văn Mẫu đệ trình tại Đại học Luật khoa Paris vào ngày 1/7/1948

Một người thầy đáng kính khác của tôi là Tiến sĩ luật Võ Phúc Tùng (Đại học Luật khoa Sài Gòn), trong những câu chuyện sau giờ dạy riêng cho tôi về nền văn chương và luật học của Pháp, đã kể một mẩu chuyện mà ông ấn tượng về Giáo sư Vũ Văn Mẫu. 

Ngày xưa, vì muốn viết một luận án tiến sĩ luật với đề tài “Les droits de la personne humaine sur son corps” (tạm dịch, “quyền của con người trên thân thể mình”) (cần lưu ý, cho đến năm 1975, tại Đại học Luật khoa Sài Gòn hầu hết các luận án tiến sĩ ngành tư pháp phải viết và đệ trình bằng tiếng Pháp dù thầy và trò đều là người Việt), nên thầy tôi đã đến xin ý kiến của Giáo sư Vũ Văn Mẫu, lúc ấy vừa là giáo sư, vừa là Thượng nghị sĩ. Vừa nghe thầy tôi trình bày xong, vị giáo sư nói ngay rằng: “Tại sao anh lại chọn một công trình nghiên cứu khó khăn như thế? Lĩnh vực này không có nhiều tài liệu khảo cứu. Sau luận án tiến sĩ của Giáo sư Pháp André Decocq vào năm 1960 nhiều người muốn đào sâu thêm, nhưng hầu như không ai thành công với đề tài này. Anh phải thận trọng nếu không giới học thuật Pháp sẽ chỉ trích anh.” Sau đó, vị giáo sư vẫn hướng dẫn thầy tôi tìm các tài liệu cần quan tâm.

Thầy tôi nói, sau khi nghe Giáo sư Vũ Văn Mẫu góp ý, ông kinh ngạc và tự hỏi rằng với bao nhiêu công việc quản lý và giảng dạy đại học, cùng hoạt động chính trị hàng ngày bận rộn như thế, vị giáo sư ấy tìm đâu ra thì giờ để có thể đọc rất nhiều về các lĩnh vực khác nhau của luật pháp, bởi trước đấy thầy tôi từng xin ý kiến của một vài giáo sư khác về đề tài luận án của mình, nhưng chưa thấy ai hiểu thấu đáo lĩnh vực quá chuyên sâu này!

Đối với các vị thầy của tôi, Tiến sĩ Võ Phúc Tùng và Tiến sĩ Đào Quang Huy, cũng như đối với nhiều vị học giả và luật sư khả kính khác thời Việt Nam Cộng Hòa, Giáo sư Vũ Văn Mẫu là một ngọn đuốc soi đường của nhiều thế hệ. Mặc dù chỉ là hậu bối và không trực tiếp lắng nghe ông giảng dạy, song gia tài học thuật ông để lại cũng đủ để giúp tôi trang bị một hệ thống kiến thức nền tảng về luật học và khả năng nhận ra đâu là khoa học thật sự.

Nhân tiện, xin lạc đề đôi chút, trong thời gian tôi bị giam và điều tra vào năm 2009, một vài vị tướng an ninh đến gặp tôi và xưng danh là ‘tiến sĩ luật’. Lúc trò chuyện với họ, bỗng nhớ về Giáo sư Vũ Văn Mẫu và các thầy của tôi, bất giác tôi mỉm cười thích thú. Cũng là một chữ ‘tiến sĩ’, mà sao khác xa nhau đến thế? Giá mà họ đừng khệ nệ với bằng cấp ‘tiến sĩ’ như thi sĩ Tú Xương mô tả, chắc tôi đã kính trọng hơn nhiều lắm!

Trở lại câu chuyện, hôm nay nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư Vũ Văn Mẫu, tưởng nhớ đến ông, tôi vẫn không thôi ao ước một ngày trên đất nước này, người Việt có được một nền luật pháp và học thuật pháp lý đạt đến tầm vóc và đỉnh cao của thế giới văn minh Tây phương, mà một thời tại mảnh đất miền Nam tưởng chừng chúng ta gần đạt đến.

Từ FB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét