Gần
đây tôi tình cờ đọc “Thoát Trung luận” của Tiến sĩ Giáp Văn Dương. Tôi
khá ngạc nhiên với lời khẳng định “Lịch sử nước ta có thể được diễn
giải tương đối đầy đủ dưới góc nhìn thoát Trung”. Nếu khẳng định này
đúng, thì hệ lụy của các “giá trị Á Đông” Khổng Nho không đến nỗi sâu
sắc đến độ trở thành não trạng của người dân Việt Nam và nặng nề đến nỗi
gây cản trở quá trính tiến về phía thế giới tự do của chúng ta hôm nay.
Nói vậy không phải để thất vọng mà để nhận thức được rằng người Việt
chúng ta phải nỗ lực một cách thành thật, kiên trì và thậm chí là đau
đớn để thực sự “thoát Trung”.
Từ
sau một ngàn năm Bắc thuộc, các chế độ quân chủ “nội địa” được thành
lập và nối tiếp nhau cai trị đất nước theo mô hình phương Bắc từ chế độ
khoa cử đến hệ thống quan. Quả thật, việc áp đặt tư tưởng ngoại lai bởi
những kẻ xâm lược luôn khó khăn và gặp phải nhiều kháng cự hơn là bởi
chính những “ông vua nước Nam” đầy tính chính đáng và có cả lực lượng
quan lại đông đảo cai quản đến các vùng xa xôi nhất của đất nước. Thật
nghịch lý là không phải 1000 năm Bắc thuộc mà chính là thời kỳ độc lập
lại khiến văn hóa Trung Quốc nở rộ ở nước Nam. Chính cái thời kỳ được
gọi độc lập này, tư tưởng Khổng nho chủ đạo trong nền văn hóa và chính
trị Trung Hoa trở thành tư tưởng và văn hóa chủ đạo của Việt Nam, lấn át
tư tưởng Phật giáo đã âm thầm bám rễ vào các làng xã Việt Nam ngay dưới
thời còn bị đô hộ.
Sự
kiện toàn bộ máy quân chủ tập quyền ở Việt Nam song hành cùng với sự
thể chế hóa tư tưởng và văn hóa Khổng Nho. Năm 1070, đời Lý Thánh Tông,
Văn miếu Quốc tử Giám được xây dựng, là nơi thờ các vị “Thánh hiền” và
là trường đào tạo các trí thức Nho học để chuẩn bị nhân sự cho hệ thống
quan lại. Thời Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám này còn có điện thờ Chu Cơ
Đán – khai quốc công thần của nhà Chu bên Trung Hoa xa xôi. Thời nhà
Nguyễn, quần thể kiến trúc này còn được xây bổ sung thêm nơi thờ cha mẹ
Khổng Tử, không những không liên hệ gì với dân nước Nam, mà còn là những
nhân vật không mấy đáng lưu tâm.
Dù
tôn giáo của các vị quân chủ Việt Nam là gì, não trạng và chính sách
cai trị của họ đều mang bản chất Khổng Nho. Sự phụ thuộc về ý thức hệ
của các triều đại quân chủ Việt Nam, về mức độ tuy có khác, nhưng về bản
chất không khác cái cách mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã áp đặt
chủ nghĩa cộng sản ngoại lai, theo mô hình Nga Sô rồi đến Trung Cộng,
lên đất nước này. Các triều đại quân chủ Trung Hoa có thể năm lần bảy
lượt xâm chiếm Việt Nam và các triều đại Việt Nam dù phải triều cống
Trung Hoa để bày tỏ sự khiêm nhường và hiếu hòa của một quốc gia nhược
tiểu. Nhưng họ không có áp lực đòi nhà nước quân chủ nước Nam phải bắt
chước mô hình chính trị của họ, bắt trí thức khoa bảng nước Nam phải học
tập tư tưởng Khổng Nho và người dân nước Nam phải thực hành tập quán
luân lý và nghi lễ theo cách của người Hán. Thiết nghĩ, đây là một sự tự
nguyện hoàn toàn sự lựa chọn của tầng lớp cai trị và thức giả ngày xưa
đã trở thành di sản nặng nề của chúng ta hôm nay.
Tiến
sĩ Dương còn nói thêm: “việc toàn dân đồng loạt chuyển sang sử dụng chữ
quốc ngữ, là minh chứng rõ ràng cho sự vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa
này”. Thiễn nghĩ, việc chuyển sang sử dung chữ Quốc ngữ do các nhà
truyền giáo phương Tây sáng tạo nên không hẳn là minh chứng cho tinh
thần “thoát Trung” như cách lý giải gượng ép của tiến sĩ Dương; mà chỉ
là một sự thuận tiện vì chữ quốc ngữ dễ học hơn và sẽ giúp cho những
người thông thạo nó tiến nhanh đến các vị trí công quyền của chế độ thực
dân Pháp hoặc đó là cách tốt để tiếp cận kho học thuật phương Tây. Ý
thức thoát Trung nếu đã bùng phát mạnh mẽ từ thời đó thì Việt Nam đã
không có diện mạo tri thức và văn hóa như hôm nay. Cay đắng thay một quá
trình “tự Hán hóa” (theo cách gọi của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa)!
Thoát khỏi tư tưởng Trung Hoa
Cuộc
“thoát Trung” về chính trị, kinh tế có thể được thực hiện bằng chiến
tranh (nếu Việt Nam có đủ sức?) hoặc bằng một sự thay đổi thể chế, khi
một chính quyền bài Hoa, hoặc thân phương Tây được thành lập. Nhưng cuộc
“thoát Trung” về tư tưởng thì khó khăn và dày vò hơn nhiều. “Thoát
Trung” này cũng đồng nghĩa với sự “phương Tây hóa”, nghĩa là sự chắc lọc
các giá trị công bằng – đa nguyên - tự do – dân chủ – nhân quyền. Cuộc
“Thoát Trung” ngoạn mục và xứng đáng trong thời điểm hiện nay không
phải là những cổ xúy cho chủ nghĩa dân tộc mà là sự “tự thắng” trong não
trạng của giới trí thức Việt Nam, đặc biệt là giới trí đấu tranh đòi
dân chủ đa nguyên. Vậy thì may ra cuộc “thoát Trung” của chúng ta mới
bền vững và kể từ đó, lịch sử Việt Nam sẽ chuyển hướng mãi mãi khỏi ảnh
hưởng của Trung Hoa đến độ chúng ta có thể làm bạn với họ trong hòa bình
và tôn trọng mà không mảy may lo sợ sự gần gũi này trở thành sự phụ
thuộc.
Chế
độ độc tài hiện nay không liên quan gì đến Khổng Nho, nhưng ít nhất, sự
tồn tại dai dẳng của nó có sự trợ lực của những mầm mống Khổng nho còn
bám sâu trong văn hóa người Việt – não trạng thèm khát nhưng vô cùng sợ
hãi quyền lực. Thật vậy, ngay cả khi tính chính đáng của chế độ này bị
thách thức liên tục qua những biến động của thế giới, qua thành tích
Nhân quyền tồi tệ, qua thất bại trong việc đối phó với nguy cơ xâm lăng
của chính quyền… người dân vẫn không ý thức được mình có quyền tước đi
quyền lực từ tay tập đoàn cai trị. Và đáng thất vọng hơn là cách thể
hiện của trí thức Việt Nam.
Sự
khúm núm trước mọi thứ quyền lực, đặc biệt là quyền lực chính trị khẳng
định cái tàn tích dai dẳng của các “giá trị Á Đông”, mà chính xác hơn
là tinh thần Khổng Nho còn sót lại lại ở vài quốc gia như Trung Quốc và
Việt Nam. Xu hướng cậy dựa quyền lực, thỏ thẻ van xin mà không dám đối
mặt thẳng thắn với (chứ chưa nói là thách thức) kẻ cầm quyền cũng là một
đặc trưng không thể lẫn lộn của phong cách “kẻ sĩ”. Tư tưởng Không Nho
là của Trung Quốc, mô hình cộng sản biến thái “kinh tế thị trường định
hướng XHCN” cũng là của Trung Quốc. Vậy thử hỏi khi hai gọng kiềm này
vẫn còn kẹp chặt xã hội Việt Nam thì chúng ta làm sao để “thoát Trung”?
Mọi cố gắng “thoát Trung” chỉ là sự vùng vẫy vô vọng của con cóc bị bỏ
vào cái lồng rồi quăng xuống ao cứ cố tìm cách thoát khỏi cái ao mà
không biết mình không thể làm gì được khi còn ở trong lồng. (Đây cách ẩn
dụ từ một thân hữu của người viết). Vậy nên, đoạn tuyệt mối liên hệ về
tư tưởng (cả tư tưởng “truyền thống” và tư tưởng cộng sản hiện đại) mới
chính là cuộc thoát Trung thực chất nhất và cũng cần thiết nhất.
“Thoát Trung” hay “thoát Cộng”
Có
lẽ do đã tuyệt vọng với việc dành lại quyền lực từ tay thiểu số độc tài
đảng trị, người dân Việt Nam và nhất là trí thức cố gắng bù đắp vào
khoảng trống bi đát trong cái tôi không được thỏa mãn của mình bằng cách
chuyển hóa những bức xúc mãnh liệt bị đè nén thành những các biểu hiện
mang đầy màu sắc chủ nghĩa dân tộc. Và có lẽ như thế người ta tìm thấy
được vai trò cho sự tồn tại của mình. Nhà nước độc tài Việt Nam hiểu rõ
tâm lý đó. Họ đè bẹp mọi khát khao tranh giành quyền lực chính trị của
người dân, nhưng chân thành cổ vũ cho thứ chủ nghĩa dân tộc kém tỉnh
táo (theo cách gọi của bác sĩ Phạm Hồng Sơn). Họ còn nhiệt tình thúc
đẩy cho sự chuyển hướng này. Nhưng một cách thông minh, họ chỉ giữ cho
những xúc cảm đó ở mức độ đủ để làm nhòa đi thực trạng độc tài và vi
phạm Nhân quyền, chứ không đến nỗi làm mất lòng người đàn anh và vượt
ngoài sự kiểm soát của họ. Sự tràn ngập các thông tin về biển đảo trên
truyền thông Nhà nước và Hội thảo “thoát Trung” trong thời gian qua là
một minh họa cho những lời tôi vừa khẳng định.
Chính
quyền độc tại hiện nay cho thấy họ đã kiên định lập trường “16 chữ
vàng”. Mấy chục năm nay họ đã thành công trong việc “Hán hóa” chính họ
và cả người dân Việt Nam một cách toàn diện bằng các chính sách chư hầu
của mình. Nhưng dù cho họ có muốn tập hợp người dân để đoàn kết “thoát
Trung”, thì cũng thật ngớ ngẩn nếu chúng ta lại thêm một lần nữa tái
diễn sai lầm trong lịch sử bằng cách xếp hàng sau lưng họ. Tại sao phải
tập hợp dưới ngọn cờ đảng cộng sản (hay bất cứ đảng nào khác) để thoát
Trung? Nhiều người sẽ cho rằng cần sự đoàn kết để chống ngoại xâm. Bây
giờ là thời đại nào rồi? Chiến tranh bằng vũ khí có tính sát thương cao,
nếu không muốn nói là vũ khí nguyên tử đã vô hiệu hóa triệt để sức
người. Nếu không có sức mạnh quân sự thì mọi sự đoàn kết đều không đáng
nói đến. Vấn đề của Việt Nam bây giờ không phải là chiến tranh và tập
hợp dưới ngọn cờ của phe phái nào để chống Trung Quốc; mà là phải dân
chủ hóa để từ đó thay đổi chính sách đối nội, đối ngoại, để vẫn giữ vững
chủ quyền quốc gia mà không leo thang một cuộc chiến tranh có nguy cơ
hủy diệt đất nước.
Trong
tình thế quốc gia lâm nguy, với nhiều cảm xúc hơn lý trí, sự đoàn kết
theo tinh thần quốc gia dưới ngọn cờ quyền lực trung ương có lẽ là ưu
tiên đối với nhiều thức giả Việt Nam. Trong mắt các vị ấy, một chế độ
độc tài có vẻ tốt đẹp hơn, hoặc ít nhất là có thể chấp nhận được, nhờ
lớp trang điểm chống xâm lược. Quả thật, nếu bộ sậu cầm quyền Việt Nam
không lún quá sâu vào hồ sơ bán nước như hiện nay, nếu có một nhóm lãnh
đạo nào trong Đảng cộng sản rút chân được khỏi vũng lầy bán nước để
nhảy ra mà vỗ ngực cầm lấy ngọn cờ chính nghĩa chống ngoại xâm, có lẽ
lịch sử sẽ lặp lại, Việt Nam sẽ không sao thoát nổi kịch bản 1945. Nói
như thế để thấy rõ cái tâm thế của “Dân gần trăm triệu ai người lớn.
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”.
Đất
nước và người dân chờ đợi những kiến giải hữu ích từ giới trí thức Việt
Nam khắp thế giới. Hoặc là chúng ta lại để cho thời thế đưa đẩy và chỉ
việc nhắm mắt đưa chân?
Huỳnh Thục Vy
Ngày 20 tháng 6 năm 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét