Lễ khánh thành
Tượng đài tưởng niệm thuyền
nhân tại Hamburg
Vào lúc 12 giờ trưa ngày 14.10.2006 đã đánh
dấu một bước ngoặt lớn cho cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản
tại Hamburg nói riêng và trên toàn nước Đức nói chung. Vì đây là lần
đầu tiên một tượng đài được thành lập tại nước Đức, sau Thụy Sĩ (ngày
09.02.2006) và Vương Quốc Bỉ (ngày 30.06.2006). Nếu so với Tượng Đài Kỉ
Niệm Chiến Sĩ Việt –Mỹ ở Hoa kỳ hay bức tượng Mẹ Bồng Con ở Gia Nã
Đại hay Tượng Đài Kỉ Niệm Chiến Sĩ Việt-Úc ở Úc Châu thì bức
Tượng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân ở Hamburg cũng phải được xem là một
kỳ công, một chiến tích, đáng để cho mọi người chiêm ngưỡng. Và
chúng ta, những Người Việt Tị Nạn đang sinh sống tại đây có quyền
hãnh diện cho thành quả của mình đối với các cộng đồng bạn.
Trong lời mở đầu cho buổi lễ khánh
thành, Chủ tịch Hội Người Việt Tị Nạn Cộng Sản tại Hamburg – Ông Quách
Anh Trường- đã nhấn mạnh đến ý nghĩa và mục đích của Tượng Đài:
1-
Nhằm
nhắc nhở lại cho thế hệ mai sau một biến cố đau lòng của dân tộc,
mà xuyên qua đó đã có hằng triệu sinh linh vô tội đã phải hy sinh
trong cuộc chiến, đã phải chết tức tưởi trong các trại học tập cải
tạo, trong các trại giam và trên đường vượt thoát.
2-
Để
tưởng nhớ đến những thuyền nhân kém may mắn hơn chúng ta đã không đến
được bến bờ tự do nhưng dẫu sao cũng đã thoát ra khỏi được ngục
tù của cộng sản và cùng nguyện cầu cho hương hồn của họ sớm
được siêu thoát.
3-
Nhằm
tri ân chính phủ và nhân dân CHLB Đức, con tàu Cap-Anamur, những gia
đình ân nhân bảo trợ đã cưu mang, cứu vớt và giúp đỡ chúng ta trong
thời gian qua.
Sau đó Ông đã cùng Ông Carsten Siegfried – Chánh
Ban Quản Trị Nghĩa Trang Oejendorf- cắt băng khánh thành cũng như đã
giới thiệu cùng mọi người Ông Bà Ngũ Thời Trọng: người đã đưa ra
sáng kiến và đã thực hiện cho bằng được ý nghĩ của mình với sự
giúp đỡ tận tình của cơ quan Hochbahn và các đồng nghiệp của Ông. Ngoài
ra Ban Quản Trị Nghĩa Trang Ohlsdorf và Oejendorf cũng đã tặng không 36 thước
vuông đất trị giá trên 27.000 Euro cho ban tổ chức làm chỗ đặt tượng
đài nầy. Khi tấm vải che bức tượng cuối cùng được kéo xuống, tất
cả mọi người đều trố mắt, trầm trồ khen ngợi một tác phẩm của nghệ
thuật điêu khắc (đã thực hiện trong vòng 6 tuần lễ). Tượng đài cao
2,4 mét, màu nâu được đổ bằng bê tông cốt sắt nặng gần 2 tấn, do một
điêu khắc gia người Việt đến từ Oberhausen: Anh Hoàng Nhật Lục ́(Ngân!)
26 tuổi. Tượng khắc hình chiếc ghe được một bàn tay phía dưới nâng
đở. Chiếc ghe tượng trưng cho những con thuyền mà người Việt tị nạn
đã thường hay xử dụng để trốn chạy chế độ cộng sản đi tìm tự do.
Bàn tay tượng trưng cho sự cứu vớt, nâng đỡ của các quốc gia Tây Âu.
Bục phía dưới được khắc những hàng chữ:
Mặt chính
Tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam 1975-
Im Gedenken an die auf der Flucht umgekommen Vietnamesen
Mặt trái
Thuyền nhân Việt Nam cám ơn dân tộc Đức và
tiểu bang Hamburg.
Mặt phải
Vietnamesische Flüchtlinge danken dem deutschen Volk und der Freien
und Hansestadt Hamburg
Mặt sau
Ghi ngày khánh thành 14.10.2006
Tượng được đặt trên một khoảng đất
trống, xung quanh được bao bọc bởi những hàng cây cổ thụ cao vút và một
khi ánh sáng mặt trời ló dạng ở trên cao, hàng ngàn tia sáng như
những ánh hào quang sẽ đổ xuống bao phủ Tượng Đài (như hôm khánh
thành!), làm cho khunh cảnh đang thê lương, ảm đạm, chợt chói loà lên
một cách thiêng liêng và huyền bí. Phải chăng, đất trời đã chứng
nhận cho tấm lòng thành của người dân Tị Nạn?! Phải chăng, những linh
hồn còn đang vất vưởng đã qui tụ về đây và đã chọn nơi nầy làm nơi
yên nghỉ cuối cùng?! Thời gian sẽ trả lời cho các sự kiện trên! Chỉ
biết rằng, hiện nay chúng ta đã có nơi để tưởng nhớ, có nơi để cầu
nguyện cho người thân của mình, cho bạn bè và cho các đồng hương của
mình.
Tiếng hát của em Quách Tường-Vi qua
nhạc phẩm „in the milddle of nowhere“ tạm dịch là: „In der Mittel von
Nirgenwo!“ hay là „Giữa chốn hư không!“ đã đưa mọi người trở lại vùng
trời xa xưa cũ, nơi đó có sóng gió thét gào, có tiếng kêu đau tuyệt
vọng, có những tiếng nấc nghẹn ngào, đã làm cho nhiều người xúc
động vì hồi tưởng lại hành trình gian truân của chính mình đã
phải nếm qua trên đường vượt thoát, bài hát được kể lại những giờ
phút kinh hoàng mà các thiếu nữ đã phải trải qua, dù đó là lúc
lênh đênh trên biển khơi hoặc đang lạc loài trong rừng thẳm.
Trong phần nghi thức cầu nguyện cho
các thuyền nhân đã bỏ mình trên biển cả, Đại diện cho các tôn giáo
như Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo đã lần lượt lên diễn đàn và làm
lễ cầu siêu cho các vong linh.Cảm động nhất là lúc bà Lý Thị Khiếu
lên đọc danh sách của những người đã tử nạn trên đường vượt biển.
Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi nghe đọc tên của những
người thân, quen của mình.
Sau đó lần lượt đại diện của các
hội đoàn, đảng phái đã lên phát biểu cảm tưởng. Trong đó có bà
giáo Leilich, người đã từng giúp đỡ và gắn bó với cộng đồng trong
suốt thời gian qua. Bà đã viết và kể lại câu chuyện thương đau của
một người thanh niên tên là Mien Thao, đã chứng kiến cảnh hãm hiếp,
giết người, cướp của của đám hải tặc Thái Lan man rợ và đã trải
qua bao nhiêu sóng gió, đói khát trên đường vượt biên trước khi đến
được bến bờ tự do.
Trong phần đáp từ, Ông Chủ Tịch Hội
Người Việt Tị Nạn Cộng sản tại Hamburg cũng mong rằng qua buổi lễ
ngày hôm nay, qua Tượng Đài Tưởng Niệm, mọi người sẽ nhớ lại nguồn
gốc của mình, sẽ không quên mình là Tị Nạn và từ đó sẽ gắn bó cùng
nhau hơn, cùng tiếp một tay để hàn gắn lại vết thương lòng
cho dân tộc.
Sau cùng mọi người đã lần lượt tiến
lên Tượng Đài để làm lễ dâng hương cầu chúc cho những người kém may
mắn hơn mình được vĩnh viễn an bình trong chốn hư không.
Buổi lễ đã được xem là rất thành
công và đã chấm dứt vào lúc 16 giờ cùng ngày, sau khi mọi người đã
vào hội trường để dùng cơm thân mật do ban tổ chức khoản đãi.
Được biết đài Radio Việt Nam hải
ngoại tại Âu Châu cũng như như đài Chân Trời Mới đã thâu và truyền
thanh đi khắp nơi. Cũng chiều đó cùng ngày vào lúc 19 giờ30 đài truyền
hình NDR của Đức đã tường thuật lại bằng một đoạn phim ngắn nói về
buổi lễ khánh thành nầy. Người
Trong Cuộc
Lời cuối: Người viết xin vinh danh gia đình Ông Ngũ
Thời Trọng, đã bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của để thực hiện
cho bằng được Tượng Đài nầy.Và như chúng ta đã thấy, bằng tấm lòng
con người có thể làm được tất cả, bằng tình nghĩa người ta có thể
hy sinh cho tất cả. Còn nếu như chúng ta lúc nào cũng chỉ sống cho
những lý lẻ hẹp hòi, ích kỉ: „Tại sao tôi phải làm?!, „tại sao tôi
phải giúp đỡ người khác?!“, thì chắc chắn chúng ta sẽ chẳng bao
giờ có được những ngày sống có ý nghĩa như ngày hôm nay.
www.Take2Tango.com
www.Take2Tango.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét