Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

LIÊN HIỆP QUỐC - NHÂN QUYỀN


2013-0911c-305.jpg
Băng thu lời Luật gia Nguyễn Bắc Truyển phát biểu được phát tại Khóa họp lần thứ 24 của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève.
Photo courtesy of Quê Mẹ

Yêu cầu LHQ áp lực Việt Nam

Khóa họp lần thứ 24 của Hội đồng Nhân quyền LHQ đang diễn ra tại Điện Quốc Liên ở Genève từ ngày 9 đến ngày 27 tháng 9 để xử lý các vi phạm nhân quyền trên thế giới. Chiều ngày 17 tháng 9, ông Võ Văn Ái nhân danh hai tổ chức Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Hành động Chung Cho Nhân quyền lên tiếng tố cáo Việt Nam vi phạm điều 19 và điều 18 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị thông qua một loạt hành xử, như Nghị định 72 về Internet mới ban hành với những cuộc bắt bớ tùy tiện 49 bloggers, sự ngược đãi tù nhân, đặc biệt đối với ông Nguyễn Hữu Cầu, hai nữ tín đồ Hòa Hảo Đỗ Thị Minh Hạnh và Mai Thị Dung, và đàn áp các tôn giáo tại Việt Nam hay quản chế tùy tiện Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ.
Kết thúc bài phát biểu Ông Ái nói: “Yêu cầu Hội đồng Nhân quyền LHQ áp lực để Việt Nam công bố thời điểm viếng thăm Việt Nam của Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do tôn giáo mà Hà Nội đã chấp nhận; thúc đẩy Việt Nam mời Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do ngôn luận, và Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Bảo vệ người bảo vệ nhân quyền; đặc biệt bãi bỏ các điều luật 79, 80, 87, 88 và 258 trong bộ Luật Hình sự”.
Yêu cầu Hội đồng Nhân quyền LHQ áp lực để Việt Nam công bố thời điểm viếng thăm Việt Nam của Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do tôn giáo mà Hà Nội đã chấp nhận.
-Võ Văn Ái
Cũng tại LHQ, hôm 11.9, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, với sự bảo trợ của 4 tổ chức Human Rights Watch, IFEX, Article 19, và Văn Bút Quốc tế, đã tổ chức một cuộc Hội thảo về “Ngôn luận hợp pháp trên Internet bị quy tội: Nhân chứng từ Việt Nam, Thái Lan, và Cam Bốt”
Các nhân chứng từ Việt Nam có hai ông Võ Văn Ái và Nguyễn Bắc Truyển, bà Sukanya Joop Prueksakasemsuk đến từ Thái Lan và cô Ramana Sorn đến từ Cam Bốt.
Qua băng thu âm gửi từ Saigon sang, ông Nguyễn Bắc Truyển cho biết tình hình đàn áp các bloggers thông qua Nghị định 72. Ông cũng là nạn nhân bị hàng chục công an mật vụ theo dõi, phong tỏa nhà ông sau khi ông tiếp kiến Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ tại Saigon hồi tháng 8. Sau đó, ông và các nhà hoạt động đến Dòng Chúa Cứu Thế ăn mừng em Phương Uyên, khi về cũng bị công an hành hung, ném đá vào đầu chị Bùi Hằng, và các anh Lê Quốc Quyết, Trương Minh Đức, Quang Dũng…
Kết thúc, ông Nguyễn Bắc Truyển cho biết rằng:
2013-0917c-250.jpg
Ông Võ Văn Ái phát biểu tại Khóa họp lần thứ 24 của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève. Photo courtesy of Quê Mẹ.
“Thưa quý vị, trong những ngày qua khi ông Trương Tấn Sang đi gặp Tổng Thống Obama Hoa Kỳ trở về thì tình hình nhân quyền có vẻ như là bước sang một giai đoạn mới là khủng bố trực tiếp vào các nhà hoạt động một cách rất là nặng. Họ đánh đập, không từ bất cứ hành động côn đồ nào để có thể đàn áp, khủng bố tinh thần của các nhà bất đồng chính kiến cũng như các nhà hoạt động. Nặng nề hơn hết là họ ra những thông báo về Nghị định 72 hạn chế quyền tự do thông tin trên Internet. Đây là Nghị định đi ngược lại những lời cam kết tự do Internet của nhà cầm quyền Việt Nam đối với quốc tế”.
Bài tham luận của ông Võ Văn Ái phân tích sự tai hại của Nghị định 72 về Internet thông qua việc bắt bớ, giam cầm tùy tiện 49 bloggers cùng hệ quả nguy hại khóa miệng tự do ngôn luận tại Việt Nam. Hà Nội giải thích Nghị định 72 như sự bảo vệ tác quyền, và chống lại các “thế lực thù địch”. Nhưng ông Ái bác bỏ khi trích lời ông Jonathan London, giáo sư Đại học Hồng Kông, nói rằng:
“Trong mọi tầng lớp xã hội Việt Nam đang có sự khao khát thay đổi. Nỗi khát vọng này không đến từ các thế lực thù địch, mà đến từ mọi giới người Việt yêu thương xứ sở họ và mong cầu một tương lai tốt đẹp sớm xảy ra”.
Nhân dịp này chúng tôi phỏng vấn ông Nicolas Agostini, chủ tọa cuộc Hội thảo. Ông cho biết như sau:
Nicolas Agostini: “Mặc dù bối cảnh các quốc gia khác nhau, nhưng chúng tôi thấy có cùng một mô hình chung, là sự đàn áp các tiếng nói độc lập, các phê phán và các nhà báo, đặc biệt trên trực tuyến. Vì vậy chúng tôi đặt tiêu điểm vào Việt Nam, biểu trưng đầy đủ cho một nhà nước độc đoán đang khóa miệng mọi tiếng nói bất đồng chính kiến. Chúng tôi cũng nhắm tới Thái Lan, nơi nhà cầm quyền sử dụng tội khi quân và sắc luật về tội phạm vi tính để đàn áp những phê phán, và Cam Bốt, là nơi chính quyền sử dụng sự sợ hãi bất chính và sự tự-kiểm-duyệt để đàn áp, giống hệt như hiện trạng ở Thái Lan và Việt Nam, họ nhắm vào các bloggers và công dân mạng, những người đăng tải bài vở trên Facebook và mạng xã hội, hoặc các nhà báo trực tuyến.
Chúng tôi yêu cầu LHQ đặt trọng tâm vào ba nước Việt Nam, Thái Lan, Cam Bốt, vì cả ba quốc gia này có nghĩa vụ quốc tế theo các điều luật nhân quyền quốc tế.
-Nicolas Agostini
Ỷ Lan: Trường hợp ở Việt Nam, những thông tin gì được trình bày tại cuộc hội thảo thưa ông?
Nicolas Agostini: Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, đã trình bày những vi phạm rất trầm trọng đối với tự do ngôn luận. Ông đã đưa ra nhiều trường hợp của các bloggers và nhà báo đã bị cầm tù chì vì biểu tỏ ôn hòa quyền ngôn luận và ý kiến hay trường trình những xâm phạm nhân quyền và pháp luật. Chúng tôi cũng cho phát băng thu từ Saigon của blogger Nguyễn Bắc Truyển đã từng bị tù trong quá khứ. Được trả tự do những ông vẫn bị nhà cầm quyền theo dõi và bị sách nhiễu thô bạo chỉ vì ông biểu tỏ ôn hòa ý kiến trên trực tuyến.
Ỷ Lan: Ông có đòi hỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ phải làm gì không, thưa ông?
Nicolas Agostini: “Chúng tôi yêu cầu LHQ đặt trọng tâm vào ba nước Việt Nam, Thái Lan, Cam Bốt, vì cả ba quốc gia này có nghĩa vụ quốc tế theo các điều luật nhân quyền quốc tế. Thái Lan vừa chấm dứt nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Có thể Việt Nam sẽ được bầu vào Hội đồng Nhân quyền cho nhiệm kỳ ba năm tới.
Sắp tới đây, LHQ sẽ duyệt xét cả ba nước này theo Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ (Universal Periodic Review). Vì vậy, chúng tôi kêu gọi Cộng đồng quốc tế và các thành viên trong Hội đồng Nhân quyền LHQ yêu sách cả ba nước phải tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và yêu cầu cho các quyền dân sự và chính trị, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, được bảo đảm hoàn toàn.”
Ỷ Lan: Xin cám ơn ông Nicolas Agostini.
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại LHQ Genève

Schubert - Ave Maria (Opera)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét