Trải qua 10 “cái gọi là Tết” trong lao tù cộng sản Hà Nội, tôi còn nhớ rõ nhiều kỷ niệm, tất nhiên chỉ có nỗi buồn chứ không thấy bóng Xuân sang ngay trên quê hương mình. Thời gian đã trôi qua từ lâu nhưng mỗi lần Tết đến, dù là Tết lưu vong, cũng gợi lại trong lòng tôi nhiều ý tưởng xót xa ngậm ngùi về cảnh sống trầm luân của cả Dân Tộc dưới chế độ cộng sản. Đặc biệt là Tù nhân chính trị - từ hải ngoại xâm nhập về lại quê hương để mưu đồ kháng chiến Phục Quốc, bị ghép tội là “đại phản động chống phá cách mạng” – là nạn nhân bị đày đọa cực hình bằng mọi kỷ thuật bạo lực tàn khốc nhất, ít ai hiểu được hoàn cảnh sống trong đáy ngục trần gian này. Với thời gian bị giam cầm hơn 10 năm, tôi có nhiều kỷ niệm vẫn còn nhớ rõ, nhưng chỉ ghi lại một vài sự kiện xảy ra trong dịp Tết tù đày, hòa chung vào nỗi đau của quê hương hiện nay vẫn còn tiếp diễn.
Thèm một chút đường trước khi chết : - Tôi thường bị biệt giam, nhưng có một thời gian gần 3 năm, từ cuối năm 1984 đến Tết năm 1987, có một bạn tù chuyển đến sống bên cạnh xà lim số 7, có khi lại chuyển qua sống chung buồng giam với tôi, xà lim số 8, Khu D, trại tù B-14 (Thanh Liệt, ngoại ô Hà Nội), khi tù nhân nhiều quá không còn chỗ giam riêng. Ông ta già yếu, khoảng 72 tuổi, người gốc Long Xuyên, miền Nam. Du học tại Pháp thuở còn niên thiếu, đậu bằng Tiến Sĩ Công Pháp Quốc Tế tại Pháp, có vợ đầm, sống ở Pháp hơn 40 năm. Thời gian đầu, chúng tôi không dám tâm sự gì với nhau vì còn e ngại nhiều điều, nghi ngờ bị “cài ăng-ten”. Nhưng dần dà, sống chung với nhau trong một xà lim chật hẹp, nói chuyện với nhau thường bằng tiếng Pháp, ban đêm rù rì tâm sự, biết rõ quá khứ của nhau, trở nên thân tình. Tên thật ông ta là Tô Cẩm Sơn. Hơn nữa, mỗi người chúng tôi tự biết mình cận kề cái chết, cho nên cũng chẳng còn lo sợ gì nữa, thường kể cho nhau nghe nhiều chuyện về quê hương, cuộc đời, gia đình, năm tháng lưu vong, đặc biệt về nước Pháp mà cá nhân tôi cũng có nhiều kỷ niệm. Vì sống cô đơn trong lao tù, cho nên tôi coi ông ta như người anh cả. Khi đã tin cậy nhau, ông ta mới cho tôi biết rõ là đã bị bắt giam oan ức tại nhiều trại tù khác nhau từ nhiều năm qua. Bộ Nội Vụ cộng sản dường như muốn bỏ quên ông ta, và không cho gia đình tại Pháp biết tin tức gì cả, chính phủ Pháp và tòa đại sứ Pháp tại Hà Nội cũng không biết tin. Coi như là biệt tăm. Trong tù, chúng tôi tự coi như là tù “tồn kho” hoặc R.X (rục xương). Sau 40 năm sống tại Pháp, ông ta xin về thăm Hà Nội vào khoảng tháng 3 năm 1975, trước ngày miền Nam bị mất độ một tháng. Đang đi dạo chơi ở bờ hồ Hoàn Kiếm (1975), chợt có xe công an đến hốt về giam, chuyển qua nhiều trại tù, rồi bây giờ (1984) thì về trại tù Thanh Liệt. Qua thời gian chung sống với nhau, ông ta cho tôi biết mấy chục năm trước ông ta có quen với Nguyễn Hữu Thọ ở Toulouse (Pháp), lúc Thọ còn học luật tại đây. Sau này, lúc Thọ về lại Việt Nam, tham gia Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và dần dần leo lên chức Phó Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước, chủ tịch Quốc Hội CSVN ở Hà Nội. Thọ có hai người con gái, một người lấy chồng Mỹ, và một người lấy chồng Pháp. Sự kiện gia đình riêng tư này, Thọ không muốn cho ai biết vì sợ các đối thủ phanh phui làm mất tính đảng (chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ mà lại gã con gái cho Pháp và Mỹ !). Lúc ông Tô Cẩm Sơn về Hà Nội (1975) có đến thăm Nguyễn Hữu Thọ, Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ và một người bà con làm y sĩ riêng cho Lê Duẩn. Sau những buổi gặp nhau và ăn cơm xã giao với mấy người này, ông ta bị bắt giam mà không cho biết tội trạng gì. Khi chúng tôi gặp nhau trong tù thì ông ta đã bị giam tại các nơi khác gần 9 năm rồi, không cho liên lạc với gia đình và chưa hề bị kết tội gì cả. Họ đặt cho ông ta một bí số là H-74 cũng như trường hợp của tôi là X-1. Ông ta tự suy nghĩ có lẽ mình là người biết quá nhiều về đời tư của các kẻ đang cầm quyền cho nên họ đã ra lệnh bắt giam để bịt miệng. Tiến sĩ Công Pháp Quốc Tế cũng phải chịu thua luật rừng !.
Vào những tháng cuối năm 1987, ông Sơn bị bệnh nặng, thường ho ra máu, đồng thời ngày nào cũng ra máu tươi lúc đại tiện, đầy gần nửa bô nhựa. Ông ta đã báo cáo nhiều lần nhưng trại không có đủ thuốc men để cấp và cũng không cho đi bệnh viện. Vào dịp Tết, bệnh ông ta ngày càng nặng, tôi bàn với ông ta là sáng hôm sau đừng đổ bô vào thùng, cứ để đấy, tôi sẽ có cách. Sáng ra, lúc được mở cửa xà lim để chạy ra lấy cơm và đổ bô vào thùng vệ sinh lớn ngoài cửa, tôi giả vờ vô ý vấp chân làm đổ cái bô nhựa của ông ta, máu chảy ra đầy đường đi. Tên cán bộ quản giáo hoảng hốt nhảy tránh và la lên : “Gì đấy, máu đâu lắm thế ?”. Tôi thản nhiên nói : - “Báo cáo cán bộ, máu của ông bạn tù, bệnh nặng lắm”. Nhưng cũng chẳng được cấp thuốc men gì. Một đêm gần Tết, ông ta thức tôi dậy và phều phào nói không ra hơi : - “Người ta chỉ mong cho mình chết. Chú cố gắng sống. Anh chết là thoát nợ, chẳng biết nợ gì đây. Có lẽ là định mệnh. Chú có biết bây giờ anh thèm cái gì nhất không ?” – Tôi đau xót hỏi : - “Anh thèm gì ? Ở trong tù này thì mình thèm đủ thứ mà”. – Ông ta im lặng một lúc, có lẽ để thở rồi nói : - “Anh thèm ngọt quá. Phải chi có một muỗng đường để ngậm trong miệng trước khi chết thì sướng quá” !. (*Bản thân tôi suốt hơn 10 năm trong tù cũng không bao giờ có một muỗng đường). Tôi chợt thấy cuống họng mình khô nghẹn, rồi nước miếng bỗng trào ra đầy miệng. Tôi cũng đang thèm đường quá. Cơ thể thiếu chất ngọt từ lâu rồi, mỗi lần nghĩ đến đường là nước miếng chảy ra. Có nhiều đêm tôi nằm mơ thấy mình chết, xác trôi nổi bồng bềnh trên một dòng sông đầy nước đường ngọt quánh. Nước đường màu vàng óng ả dưới ánh trăng. Đường phèn, đường phổi, đường thốt nốt, mạch nha, cuồn cuộn chảy quanh xác tôi. Sáng hôm sau, ông bạn già của tôi bị chuyển đi khu khác. Tôi nghe nói ở buồng giam A-1 và đã qua đời. Bị tù hơn 12 năm, trên 72 tuổi, Tiến Sĩ Luật Khoa, không có án và khi chết trong tù, giây phút cuối chỉ mơ ước có được một muỗng đường để ngậm, nhưng làm sao có được ?!.
Khoảng gần Tết, suốt ba ngày liên tiếp, lúc mờ sáng và lúc đêm khuya, tôi nghe có tiếng khóa cửa sắt các buồng giam và nhiều tiếng cán bộ quản giáo. Mấy hôm sau, tôi hỏi dò tên tù “tự giác” và được biết một số anh em ở khu D và khu A đã bị đưa ra tòa để kết án phản động. Một đêm, có lẽ vào khoảng gần sáng, có tiếng gà gáy ở xóm bên kia tường vọng lại, trại tù vắng lặng, tôi nghe có tiếng gọi nhau và nhiều tiếng cười vang. – “Ông Thầy ơi, bọn này sắp bị chuyển đi rồi. Được tù chung thân rồi !”. Lại tiếp thêm nhiều tiếng cười vang khác, rồi im bặt từ đấy.
Tôi không được biết thêm tin gì nữa kể từ hôm ấy. Nhưng, những giọng cười vang ngạo nghễ giữa đêm khuya vắng trong tù, mãi cho đến nay, vẫn thêm hành trang đấu tranh cho tôi mỗi khi tôi cảm thấy cô đơn giữa chợ đời. Anh em đã tận hiến cuộc đời Phục Quốc và đã “được” tù chung thân rồi. Lòng tôi vừa hãnh diện vừa xót xa, có lẽ chỉ có những người cùng chung cảnh ngộ mới cảm thông được nỗi niềm này.
Tôi sẽ về
Để cho em trái tim không bằng thép
Mà bằng máu Con Người.
Trái tim em sẽ biết nở nụ cười tươi
Vì không nung bằng lò sản xuất.
Tôi sẽ đưa em ra khỏi công trường u uất
Cho em làm Người, biết quý thịt xương,
Biết cười vui, biết cả Tình Thương
Để em không còn làm Máy !!! …
…..
Ta biết tình Em : - Sống trong đáy ngục trần gian với những trận đòn thù tra tấn, tù không có án, bặt tin vợ con, anh em, bạn bè, khung trời quê hương chỉ là bốn vách tường giam, mỗi ngày đêm tôi thường “thấy” qua những giấc mơ hình bóng gia đình thương yêu. Hình bóng chập chờn qua những dòng máu đen ngập chìm tâm hồn cô đơn. Dù cận kề cái chết, tôi vẫn cố tồn tại. Tự ôn ngoại ngữ, thuyết trình, viết hồi ký, làm thơ… qua trí nhớ vì không có giấy bút. Tôi tự luyện cho mình một kỷ luật sắt bản thân để thực hiện chương trình hoạt động trí óc mỗi ngày đêm để không đầu hàng, bỏ cuộc, trước mọi hoàn cảnh cay nghiệt nhất của một đời người. Gần đến Tết năm 1990 (tôi ở tù gần 10 năm rồi), một hôm có anh bạn tù trẻ được chuyển đến, gọi là sống tạm chung với tôi. Thông thường vào các dịp Tết, trại tù không đủ chỗ nhốt, phải cho sống chung mỗi buồng giam vài người, tạm thời vài tuần lễ. Đây là loại tù hình sự, án nhẹ vài năm về tội trộm cắp, buôn lậu, giang hồ. Anh bạn tù này còn trẻ, người Hải Phòng, nhà nghèo, can tội trộm xe gắn máy, bị kết án 3 năm, đã ở tù được hơn 2 năm rồi, sắp mãn án. Có vợ và một con trai nhỏ. Biết tôi là người miền Nam, ở “nước ngoài” về, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ hỏi thăm về chuyện chính trị, và về các hoạt động của tôi. Chỉ hỏi chuyện về đời sống tại miền Nam và ngoại quốc, và thường gọi tôi là “Bố”. Đặc biệt, anh ta rất thích đọc thơ, ban đêm thường đọc cho tôi nghe nhiều bài thơ rất cảm động về cảnh sống ngoài đời, không biết tác giả là ai. Một đêm, anh ta nằm khóc, nói là nhớ vợ con vào dịp Tết, và hỏi tôi có biết làm thơ không ? Tôi cười và hỏi thêm về chuyện gia đình của anh ta. Sau vài tuần lễ chung sống, nhận thấy anh ta rất dễ thương và có vẻ kính trọng tôi, nói chuyện tâm tình rất lễ phép, khác lạ với những tên tù du đảng khác. Tôi nghĩ ngay trong đầu tựa đề một bài thơ, và từ hôm đó, mỗi đêm tôi làm được vài đoạn, nằm đọc cho anh ta nghe để học thuộc lòng. Tôi cũng muốn mượn tâm sự này để gửi về cho vợ con tôi qua không gian nỗi lòng của riêng mình từ lao tù. Tôi làm được đoạn nào là anh ta nằm học thuộc lòng, đọc đi đọc lại không sót một chữ một câu nào. Tôi cảm thấy vừa ngậm ngùi vừa vui trong hoàn cảnh đặc biệt này và thấy anh ta chăm chú học thơ như một đứa học trò ngoan. Bài thơ làm xong, anh ta nằm ngâm nga suốt đêm và hết lòng cám ơn tôi. Vài tuần lễ sau thì anh ta được chuyển ra ngoài để làm lao động “tự giác”, chờ ngày mãn án tù. Tôi không còn gặp lại nữa. Tôi còn nhớ rõ bài thơ này, xin ghi lại vào dịp Tết.
Ta Biết Tình Em
Ta biết lòng em cũng xốn xang
Ta biết lòng em cũng xốn xang
Khi nhìn thiên hạ đón Xuân sang
Khi nghe pháo nổ bên hàng xóm
Và thấy hoa mai nở sắc vàng.
Ta biết sầu đau đẫm mắt em
Chờ con thơ ngủ, khóc từng đêm.
Thương ta trong cảnh đời lao lý
Em khóc cho vơi bớt nỗi niềm.
Chiếc áo ngày xưa, cưới vẫn còn,
Em đành cắt áo cho con mặc,
Từng mũi kim khâu, nát cả hồn.
Nắng mưa tần tảo một mình em.
Bàn tay lao động ngày hai buổi
Ai đón em về trong bóng đêm ?
Ta biết em đau cả cõi lòng.
Em gượng cười vui qua nước mắt
Và gắng nuôi con, cố đợi chồng.
Ta biết tình em vẫn thiết tha.
Lòng ta chua xót tràn thương nhớ
Lặng lẽ trong đêm mắt lệ nhòa.
Nâng niu từng hạt muối vừng xôi.
Một đời chung thủy trong bao nhỏ
Một trái tim yêu vẫn rạng ngời.
Trời khuya bừng động, rộn không gian.
Ngậm ngùi ta đứng bên song sắt,
Tường cao cũng chắn lối Xuân sang.
Con hỏi : Cha đâu chẳng thấy về ?
Thôi em, nín khóc, lau dòng lệ,
Em hãy vì ta, giấu não nề.
Ngày mai sum họp cảnh đoàn viên
Ta về, nối lại mối tơ duyên.
Cùng em, ta đón mùa Xuân mới
Cho thỏa tình xưa, vẹn ước nguyền.
Ta sẽ lùa tay qua tóc mây
Thương em, hôn nhẹ cánh vai gầy.
Ta gửi tình ta qua ánh mắt
Dù không men rượu cũng lòng say.
Xin em gắng đợi một ngày mai
Ta về - vui sống với tương lai.
Tình ta thắm lại hai lần cưới
Pháo nổ mừng Xuân, đón mộng dài !
Suốt thời gian dài sống trong lao tù Hà Nội, tôi còn nhiều “kỷ niệm” chẳng bao giờ quên. Trên đây chỉ là một vài chuyện tượng trưng vào dịp Tết. Với tâm nguyện hiến dâng của mỗi người, xin được đồng hành cùng Dân Tộc, nhất định chúng ta sẽ mừng đón Mùa Xuân Đống Đa trên quê hương một ngày gần đây. Xin kính chúc Quý Độc Giả bình an.
Võ Đại Tôn
Tết Đinh Dậu 2017
Hải Ngoại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét