Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Tiến trình diễn biến vụ Moritzburg

Trần Văn Tích
(phóng viên chiến trường nhất thời)
 
Moritzburg là tên của một địa phương ở Đông Đức cũ thuộc thành phố Dresden. Theo kiểm tra dân số ngày 31.12.2014 thì số cư dân ở đây là 8.322 người. Moritzburg được giới du lịch biết đến chủ yếu vì có một toà lâu đài cổ.

Tháng bảy năm 1955, Việt cộng bắt đầu gửi 149 thanh thiếu niên từ 9 đến 15 tuổi sang học nghề tại một ngôi trường ở Moritzburg để được đào tạo thành thợ chuyên môn. Theo kế hoạch, có tất cả lối 350 “du sinh“ được sang Moritzburg. Mùa hè năm 1957, lãnh tụ Việt cộng họ Hồ công du Đông Đức và nhân dịp đó, ghé thăm “các cháu thiếu niên nhi đồng“. Cộng sản Đức-Việt bèn dựng lên một khu lưu niệm “Bác Hồ“ trong vùng Moritzburg. Khi chế độ cộng sản tiêu vong, khu kỷ niệm bị bỏ phế và hiện thuộc quyền quản trị của nhà thờ Tin lành. Hầu như không ai buồn nhớ đến nó nữa. Vết tích còn tồn tại là một vài cột trụ và một vài viên gạch bằng đá hoa cương đứng trơ trọi hay nằm chìm sâu trong cỏ hoang cây dại. Năm ngoái, phía Việt cộng đã bỏ tiền ra sửa chữa sơ bộ nhưng khi họ làm đơn xin phép thiết lập một hàng rào bao quanh khu vực thì Bộ phận Kỹ thuật thuộc Hội đồng Đại diện địa phương đã bác bỏ đơn.
 
Ngày thứ tư 18.05.2016, để theo tìm dấu chân “Bác“, viên đại sứ Việt cộng tại Berlin là Đoàn Xuân Hưng, một dân biểu Đức, ông Andreas Lämmel, thuộc đảng bảo thủ CDU và một doanh nhân Việt cộng tên Võ Văn Long cùng đến thăm tàn tích Việt cộng liên quan đến HCM ở Moritzburg. Sở dĩ Ông Dân biểu Đức thuộc đảng bảo thủ CDU tham gia nhóm thăm viếng Moritzburg là vì Moritzburg vốn thuộc lãnh thổ Dresden mà Ông Andreas Lämmel lại là đại biểu của khu vực bầu cử Dresden. Viên chức chính quyền địa phương, ông Jörg Hänisch và ông quản lý khu nhà thờ tiếp kiến phái đoàn ba người. Nói chuyện với họ, viên đại sứ Việt cộng đề cập đến kế hoạch tân trang khu kỷ niệm và hứa hẹn với phía Đức là nếu dự án này thành công thì sẽ có nhiều du khách Việt Nam đến thăm viếng. Phía Việt cộng gợi ý sẽ chịu tất cả phí tổn sửa sang di tích lịch sử. Ông Jänisch cho biết trên nguyên tắc ông ta ủng hộ dự án nhưng nói thêm ngay là nước Đức là một quốc gia pháp trị nên mọi quyết định dân chủ đều không đơn giản và đòi hỏi nhiều thời gian.

Ngày 19.05.2016, đúng ngày được người cộng sản bảo là sinh nhật của “Bác“, tờ báo tiểu bang Sachsen, tờ Sächsische Zeitung tường thuật buổi “tham quan“ này. Đồng thời tờ báo cũng cho biết là kế hoạch vận động tân trang khu tưởng niệm đã được tiến hành từ lâu, ít nhất cũng đã hơn một năm rồi.
 
Ngày 21.05.2016, bản tin được phỏng dịch sơ sài sang Việt ngữ và đưa lên internet.
 
Ngày 22.05.2016, tôi liên lạc ngay với tổ chức UOKG, Union der Opfer der Kommunistischen Gewaltherrschaft, Hội những Nạn nhân của Chế độ Cộng sản Chuyên chính, trụ sở đặt ở Berlin, để yêu cầu họ lên tiếng bày tỏ lập trường phản kháng vụ Moritzburg; đồng thời tôi cũng viết thư cho Bà Chủ nhiệm tờ tạp chí Der Stacheldraht (Kẽm gai) để đề nghị tờ báo đăng bài chống đối.
 
Ngày 23.05.2016, Bà Ute Junker, một nhân vật hoạt động cộng đồng, đưa lên mạng một thư ngỏ phổ biến qua hệ thống truyền thông change.org kêu gọi mọi người tham gia ký tên. Nội dung tài liệu chủ yếu nhằm kêu gọi Dân biểu Andreas Lämmel cân nhắc kỹ, suy nghĩ lại để hủy bỏ thái độ tiếp tay với vụ vinh danh họ Hồ tại Moritzburg. Trong đầu đề bản Petition có nhóm chữ “Verherrlichung Ho Chi Minh?“ (Tôn vinh Hồ Chí Minh?).
 
Ngày 25.05.2016, Bà Vera Lengsfeld, một nhân vật chống cộng nổi tiếng nguyên là cựu Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức, viết một bài súc tích và đanh thép lên án dự định vinh danh HCM qua một khu lưu niệm tại Moritzburg. Bài viết có tựa đề : "Erneuerter Gedenkort für einen Massenmörder?“ (Tân trang khu lưu niệm cho một tên sát nhân hàng loạt?). Cuối bài Bà Lengsfeld giới thiệu hai địa chỉ mạng lưới : một để người đọc ký tên vào thư ngỏ gửi dân biểu Lämmel và một để người đọc tìm hiểu về sự thực trong cuộc chiến quốc cộng ở nước ta.
 
Petition với chủ nhân là Bà Ute Junker được đông đảo người ký tên ủng hộ, người Việt có, người ngoại quốc có. Vì trong bài viết rất chi tiết của Bà Vera Lengsfeld có dẫn chứng từ sách Duc, Der Deutsche. Mein Vietnam. Warum die Falschen siegten (Đức, Ông người Đức. Nước Việt Nam của tôi. Tại sao bọn bịp bợm thắng trận?) mà bản thân tôi thì giao thiệp khá thân tình với tác giả của sách là Uwe Siemon-Netto nên tôi gửi điện thư mời Duc, Der Deutsche ký tên ủng hộ Petition. Tác giả ký ngay tức khắc, không một chút do dự. Con số chữ ký cứ mỗi ngày mỗi tăng dần, rất đều đặn.
 
Đồng thời, một loạt thư riêng phản đối khu tưởng niệm HCM cũng được gửi cho các Dân biểu Quốc hội Liên bang cùng thủ hiến tiểu bang Sachsen và giới chức cai trị địa phương Moritzburg. Các bức thư này do Liên Hội Người Việt Tỵ nạn tại Cộng hoà Liên bang Đức đứng tên gửi đi. Cô Nha sĩ Lê Ngọc Tuý Hương còn gửi cả thư cho Tổng Thống Đức, Ông Joachim Gauck và Thủ tướng Đức, Bà Angela Merkel.
 
Ngày 28.05.2016, các Hội đoàn và các Cá nhân Tỵ nạn cộng sản tụ họp tại Mönchengladbach trong một sinh hoạt định kỳ thường niên. Vào dịp này, đồng bào đồng lòng sẽ đồng loạt viết thư lên tiếng bày tỏ nỗi bất bình với các vị dân cử và các quan cai trị địa phương mình cư trú.
 
Ngày 31.05.2016, Tiến sĩ Thanh Nguyen Brem gửi thư cho Bà Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen, đảng viên CDU, trình bày tính cách mâu thuẫn trầm trọng giữa một bên là hành động cứu nhân độ thế của thân phụ Bà Bộ trưởng (đã quá cố) khi giữ chức vụ thủ hiến tiểu bang Niedersachsen đã đi tiên phong tiếp nhận người tỵ nạn Việt Nam, nạn nhân của HCM, và một bên là thái độ bày tỏ thiện cảm với một dự án đề cao họ Hồ của người bạn đồng đảng và đồng viện của hai cha con Bà Bộ trưởng là dân biểu đảng CDU Andreas Lämmel.
 
Đột nhiên ngày 31.05.2016, Bà Nha sĩ Nguyễn thị Thục Quyên ở München gửi e.mail phỉ báng bức thư phản đối của Bà Ute Junker là “cẩu thả, trật lất“ cho nên Bà Nha sĩ kêu gọi mọi người hãy tẩy chay Petition Ute Junker, đừng có ký tên vào! Trong số phỏng chừng một trăm bốn mươi ngàn người Việt hiện đang sinh sống tại CHLB Đức – bao gồm người quốc gia và người cộng sản – Bà Thục Quyên là nhân vật duy nhất có chủ trương hành động dị thường này tính đến hôm nay, bên cạnh nhiều chủ trương hành động dị thường khác mà vì không muốn lạm dụng tính kiên nhẫn của độc giả nên tôi chỉ xin kể một hành động dị thường của Bà mà thôi. Ngày 20.02.2012, Bà Thục Quyên tổ chức biểu tình tại München và Bà có nhã ý mời tôi tham dự. Biểu tình đặt dưới tiêu đề mỹ miều Một ngày cho Tổ quốc Việt Nam. Bà Nha sĩ chủ trương triệt để cấm sử dụng cờ, chỉ cho phép mang theo bản đồ hình chữ S. Biện hộ cho chủ trương của mình, Bà Nha sĩ bảo rằng không được dùng cờ thì mới tập họp được những người bên kia và những người bên này vốn không ưa thích cờ vàng ba sọc đỏ. Bà còn lên tiếng bảo rằng phải vì giới trẻ đồng hương mà gạt bỏ quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà! Phản ứng của công luận ra sao, chắc độc giả đều có thể đoán được. Vả lại độc giả cũng chỉ cần biết rằng tôi không hề nghe có Một ngày cho Tổ quốc Việt Nam thứ nhì!
 
Cùng ngày 31.05.2016, một cư dân München khác, Kỹ sư Lê Ngọc Châu, Đại diện Hệ thống Truyền thông CaliToday tại Đức quốc, chuyển dịch sang Việt ngữ bài tham luận dài của Bà Vera Lengsfeld và cho phổ biến rộng rãi trên internet.
 
Ngày 01.06.2016, Tổ chức Vietnam 21 của Tiến sĩ Dương Hồng Ân gửi thư cho Ông Thị trưởng Moritzburg Jörg Hänisch. Bức thư khá dài nêu được nhiều luận cứ có tính thuyết phục. Đặc biệt bức thư nhấn mạnh là sau khi chế độ cộng sản cáo chung tại nhiều quốc gia trên thế giới, chủ trương tôn thờ cá nhân lãnh tụ đã bị dẹp bỏ không thương tiếc ở khắp mọi nơi. Ngay tại Đức, con đường nhỏ, ngắn mang tên Ho-Chi-Minh Straße ở Berlin thời mồ ma Đông Đức cũng đả trở lại mang tên cũ là Weißenseer Weg.
 
Cùng ngày 01.06.2016, trên tờ thông tin địa phương Moritzburger Gemeindeblatt có bài viết mang tựa đề Moritzburg zwischen Hanoi und Washington (Moritzburg giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn) do chính bản thân Ông Thị trưởng Jörg Hänisch chấp bút. Có lẽ đã phong thanh cảm nhận được phản ứng bất lợi rộng lớn đang xảy ra nên tác giả bài bình luận không hề đề cập đến tên họ HCM mà chỉ mập mờ dùng chữ Gedenkanlage (Khu tưởng niệm). Cái gọi là “khu tưởng niệm“ đó, theo chính chủ nhân bài viết, chỉ là eine kleine gärtnerisch gestaltete Gedenkanlage (một mảnh vườn nhỏ làm khu kỷ niệm).
 
Ngày 04.06.2016, lúc 16 giờ 46 phút, khi tôi gõ máy viết những dòng này, số người ký tên vào Petition Ute Junker đã đạt đến con số 1.546 với định mức kế tiếp là 2.500 chữ ký, dẫu rằng cá biệt có một vài người gặp trở ngại ít nhiều khi tham gia ký tên nhưng vẫn kiên trì ký cho kỳ được.
 
Trận chiến Moritzburg đang diễn ra và sẽ còn nhiều giai đoạn kế tiếp, tôi xin tự cho phép làm nhiệm vụ phóng viên chiến trường tường thuật cập nhật tin tức để trình bày cùng đồng bào trên mạng lưới.
 
04.06.2016
__._,_.___

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét