Việt Nam Ngày Nay
24/05/2015
RadioCTM - Nguyệt Quỳnh
Tiếng hát của tử thần đã chiếm lĩnh những con
đường đi về nơi đất nước.
(Cánh Thiên Nga – Tagore)
Bốn mươi năm trước, trong giờ khắc hấp hối khi
quân đội miền Nam đã tan vỡ, dinh Độc Lập đã thất thủ thì ngôi trường thiếu sinh
quân nhỏ bé tại Vũng Tàu vẫn đứng vững, oanh liệt giữa tiếng súng kháng cự trong
những giờ phút cuối cùng của miền Nam. Nhắc lại câu chuyện này tôi muốn mở đầu
một chuỗi những mẩu chuyện về cách hành xử đáng kính của những người trẻ trong
các tình huống vô vọng mà tôi cho đó là nhân cách, là di sản của dân tộc Việt.
Một điều mà chúng ta phải nhìn nhận là trong xã hội hiện nay di sản đó đang tiêu
hao, mòn mỏi từng ngày.
Vào những
ngày cuối tháng tư năm 1975, trường Thiếu Sinh Quân chỉ còn lại khoảng hơn 100
học sinh ở độ tuổi từ 8 đến 17. Những em này do nhà ở các tỉnh xa nên gia đình
chưa đón về kịp. Khi được ban quản trị thông báo là các em phải tự lo cho chính
mình, nhà trường đã hết trách nhiệm với các em; thoạt đầu, như đám gà con mất
mẹ, bọn trẻ đã hoảng loạn, sợ hãi, bỏ chạy tứ tán. Thế nhưng cuối cùng, những
đứa trẻ chưa thành người lính này đã tập họp lại, và đã đánh trả khi bộ đội Bắc
Việt cho một tiểu đoàn quân chính qui tiến chiếm ngôi trường thân yêu của các
em. Trận đánh kéo dài suốt sáu tiếng đồng hồ, cho đến khi các em nhận được tin
Sài Gòn đã đầu hàng theo lịnh của tướng Dương Văn Minh. Để bảo toàn mạng sống
cho cả trường, các em lớp 12 đã quyết định ngưng bắn đầu hàng. Không muốn để
quân đội Bắc Việt làm nhục lá Quốc Kỳ, các em đã yêu cầu được làm lễ hạ Kỳ trước
khi kéo cờ trắng đầu hàng. Một buổi lễ chào cờ cuối, đẫm lệ đã diễn ra trong bầu
không khí trang nghiêm.
Như thường lệ, hai thiếu sinh quân lớp lớn đã
tiến ra trước sân cỏ. Các thiếu sinh quân tuổi từ tám đến mười bảy tập họp thành
hai tiểu đoàn. Tất cả đứng nghiêm trước cột cờ, bắt súng chào và làm lễ hạ Kỳ
đúng theo lễ nghi quân cách. Đó là buổi lễ chào cờ cuối cùng, các em hát quốc ca
với những khuôn mặt đầm đìa nước mắt. Vừa mới hôm qua, dưới ngọn cờ này các em
đã được học tập, được đào tạo để mai kia trở thành những người lính sẵn sàng ngã
xuống dưới ngọn cờ để bảo vệ tổ quốc. Hôm nay mọi việc đã đổi thay! Không ai có
thể biết tâm trạng của các em lúc đó ra sao? Khi bài hát chấm dứt và khi lệnh
tan hàng của một em liên lớp 12 ban ra, thình lình những đứa trẻ oà lên khóc,
rồi cứ thế chúng ôm lấy nhau khóc nức nở !
Cùng lúc đó ở ngoại quốc, bản tin về Sài Gòn
thất thủ đến với các sinh viên VN du học như sét đánh ngang tai. Chị Bùi thị
Bạch Phượng một du học sinh tại Đức đã chia sẻ trong một bài viết của chị: “Tin
khủng khiếp đến lúc trời còn tờ mờ tối, sau một đêm khắc khoải, mất ngủ vì lo
âu. Hồn tôi chơi vơi trong một khoảng không nào đó, đôi bàn chân hình như đã lìa
mặt đất, đầu óc trống trải, mông lung. Ðến sáng hôm sau, bọn chúng tôi vào giảng
đường đại học, tìm chút hơi ấm từ bạn bè cùng chí hướng, nhìn nhau trong ngấn
lệ, không biết chảy ra tự lúc nào”.
Tại Pháp,
như đoán trước định mệnh của đất nước, ba ngày trước khi miền nam mất, sinh viên
Trần Văn Bá cùng Tổng Hội sinh viên Paris đã tổ chức “Ngày để tang cho chiến
sĩ”. Trên đường phố Paris, gần 300 sinh viên du học đã đi tuần hành trong im
lặng. Đầu chít khăn tang trắng, họ lặng lẽ đi qua các đường phố của khu Latin
rồi đứng lại trước tòa Đại Sứ Mỹ tại công trường Concorde để phản đối sự bội bạc
của người Mỹ trong chiến cuộc Việt Nam!
Miền Nam mất, những sinh viên du học như những
đứa con côi cút mất lối về. Giấy thông hành của họ do chính phủ VNCH cung cấp
coi như hết hiệu lực, tất cả đều phải xin thông hành tị nạn. Nhiều sinh viên ở
Đức, ở Pháp đã kể lại cảm giác đau thương khi phải cầm cuốn sổ thông hành mới
với hàng chữ “Vô tổ quốc”. Tuy nhiên, những người trẻ bơ vơ này chưa bao giờ coi
mình là những người vô tổ quốc. Mỗi năm, vào dịp 30/4 các sinh viên này đã họp
nhau lại, cùng thức sáng đêm để đi dán bích chương. Cùng nhau tổ chức những đêm
không ngủ và những buổi hội thảo về tình hình đất nước, về thảm trạng thuyền
nhân…
Vào đầu
xuân năm 1976, Trần Văn Bá và các sinh viên thuộc Tổng Hội sinh viên Paris đã
cùng nhau tổ chức Tết tại Hội Trường Palais de la Mutualité với chủ đề “Ta Còn
Sống Đây”. Nhiều anh chị sinh viên đã bồi hồi kể lại nỗi xúc động của họ trong
đêm đó. Hàng ngàn người có mặt đã rơi lệ khi nghe sinh viên Trần Văn Bá cất
tiếng hát lớn bài hát “Hồn Tử Sĩ”. Lịch sử đã sang trang, thế giới đã quay mặt,
quê hương đã mất dấu; nhưng xương máu và những hy sinh của các thế hệ cha anh
vẫn luôn hiện hữu và là ngọn đuốc soi đường cho thế hệ trẻ. Khơi dậy được tình
yêu nồng nàn đối với tổ quốc trong lòng những sinh viên VN, Trần Văn Bá đã trở
thành linh hồn của lớp người trẻ tị nạn.
Ông Võ Văn Kiệt có câu nói nổi tiếng về ngày
30/4: “có triệu người vui mà cũng có triệu người buồn.” Tuy nhiên, trong triệu
người buồn đó, đa số đã ôm hy vọng và ước mơ về một cuộc sống mới thanh bình và
tốt đẹp hơn cho người dân cả hai miền bởi chiến tranh đã kéo dài quá lâu. Nhưng
thực tế diễn ra sau đó hoàn toàn ngược lại, thảm trạng của thuyền nhân, tù cải
tạo, kinh tế mới và cả một thế hệ thanh niên bị đẩy vào cuộc chiến vô vọng bên
Cam Pu Chia…Tất cả những thảm cảnh trên không ngừng ray rứt tâm trí của người
Việt tha hương. Ngay đến tận ngày hôm nay sau 40 năm, sự gắn bó sâu nặng với đất
nước của đa số người Việt vẫn được nhìn thấy qua sinh hoạt thường ngày: sống ở
nước ngoài người Việt vẫn theo dõi tin tức tại VN, đau với cái đau của người dân
mất đất, nhục với cái nhục khi giàn khoan của Trung Quốc nghênh ngang kéo vào
lãnh hải. Ông Hoàng Thu, một người Việt ở Florida đã tự thiêu để gióng lên tiếng
chuông cảnh tỉnh đồng bào mình về hiểm hoạ xâm lược. Ngày 20/6/2014 người đàn
ông này qua đời để lại mảnh giấy tuyệt mệnh với hàng chữ: “Hai Yang 981 phải rời
khỏi V-N hải phận”.
Là một thanh niên trẻ với bầu nhiệt huyết và
niềm khao khát được dấn thân cho quê hương, Trần Văn Bá tin rằng những chuyển
đổi đất nước chỉ có thể phát xuất từ Quốc Nội, anh tham gia lực lượng “Mặt Trận
Thống Nhất các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam” và xâm nhập về Việt Nam.
Anh bị cộng sản bắt và bị tử hình vào ngày 8/1/1985. Điều cuối cùng bạn bè còn
giữ lại là những suy tư anh viết trong thư gởi về Paris năm 1982: “ …Phần tôi
cũng bình thản thôi, cực thì có, nhưng tôi sống trọn vẹn với con người của tôi,
với quê hương nghèo đói. Con đường tôi chọn rất chông gai, nhưng dù sao tôi cũng
phải đi tới cùng…”
Tại Nhật, sinh viên Ngô Chí Dũng khi ấy mới 24
tuổi, anh là con chim đầu đàn của Uỷ Ban Tranh Đấu Cho Tự Do Của Người Việt. Sau
khi miền Nam mất, trong tình cảnh hoang mang cực độ của hầu hết các sinh viên du
học tại Nhật, Ngô Chí Dũng đã cùng một số anh chị em sinh viên làm việc ngày đêm
để tranh đấu thành công hai vấn đề bức thiết quan trọng lúc ấy. Thứ nhất là
chính quyền Nhật đồng ý gia hạn chiếu khán cho các kiều bào ta và các sinh viên
đang sinh sống tại Nhật, thứ hai những sứ quan Pháp, Bỉ, Anh và Hoa Kỳ… đã hứa
cấp chiếu khán cho bất cứ ai muốn đến các quốc gia này định cư. Cùng với các
sinh viên du học tại Nhật, Ngô Chí Dũng đã tích cực giúp đỡ những gia đình
thuyền nhân trong các trại tị nạn. Anh tốt nghiệp nghành Kỹ Sư Hoá Học thuộc
Viện Đại Học Meisei tại Tokyo năm 25 tuổi. Nhưng cũng như Trần Văn Bá, Ngô Chí
Dũng tin rằng sự chuyển đổi đất nước chỉ có thể xảy ra tại môi trường Quốc Nội
và với cái quan niệm rằng muốn giải quyết vấn đề của đất nước thì chính mình
phải nhập cuộc, chính mình phải đi đầu. Anh bỏ lại cuộc sống êm đềm và một tương
lai đầy hứa hẹn ở Tokyo để trở về với quê hương. Anh tham gia “Mặt Trận Quốc Gia
Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam” và hy sinh trên đường công tác.
Cách sống
và hành xử của những người trẻ trong hoàn cảnh tuyệt vọng của đất nước cho thấy
một thế hệ thanh niên đầy nhân cách, trong sáng và vững vàng. Một thế hệ kế thừa
tinh thần Nguyễn Thái Học, những con người sống có lý tưởng, có mục đích, có
trách nhiệm với xã hội, có tình yêu thương và niềm tin vào những giá trị tốt
đẹp; do đó, dù ở trong hoàn cảnh vô vọng họ không dễ dàng đánh mất chính mình.
Và đó chính là di sản của một dân tộc đã tồn tại qua hàng ngàn năm thăng trầm
của lịch sử. Di sản đó đã khiến cả một thế hệ thanh niên miền bắc sẵn sàng lao
vào lửa đạn đến nỗi nhà thơ Hoàng Trần Cương bảo nếu đem ghép những chiếc áo của
đồng đội anh lại chắc cũng đủ căng lên thêm một bầu trời. Và cô giáo Nguyễn Thị
Mai thì bồi hồi viết trong nhật ký: “Chưa bao giờ máu gửi nhiều theo những lá
đơn / Chưa buổi lên đường nào tình nguyện đông như vậy”. Nhưng đó là chuyện của
ngày xưa, ngày nay di sản của dân tộc Việt đang bị nhấn chìm trong một vùng nước
xoáy.
Cái gọi là “Chiến thắng 30/4/75″ đã từng làm cả
thế giới phải cúi đầu nể phục một dân tộc anh hùng. Trong niềm “hân hoan” của
chiến thắng ngày ấy, không một ai có thể tưởng tượng một dân tộc hào hùng, bản
lĩnh lại có thể cam tâm chịu nhục như ngày hôm nay. Một quốc gia độc lập với một
quân đội hùng mạnh mà từ lãnh đạo đến tướng tá đều câm lặng, khuất phục nhìn
từng phần chủ quyền của đất nước bị tước đoạt, bị mất trắng, mất đau đớn trong
các hiệp ước với Bắc Kinh… Thử hỏi một cuộc duyệt binh vĩ đại mừng 40 năm chiến
thắng, với 6000 người tham dự cùng các lực lượng võ trang và các khí tài hiện
đại như lời Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa thì có ý nghĩa gì? chỉ thấy bật lên
một niềm đau có chiến thắng nào cay đắng đến vậy? Sau cuộc nội chiến huynh đệ
tương tàn, hàng ngàn những vành khăn tang đã chít trên mái đầu vợ con của người
lính miền nam, hàng ngàn những thanh niên miền bắc ra đi không trở lại, giấy báo
tử rơi đầy mái rạ; chỉ để đổi lấy một đất nước đói nghèo lệ thuộc, tụt hậu, lầm
than…
Nhiều
blogger trong nước nhận định rằng di sản lớn nhất của 40 năm chiến thắng là sự
sợ hãi, nhu nhược, hèn kém và li tán. Dẫu sao tôi vẫn tin rằng di sản của 40 năm
không thể nào vượt thắng, không thể nào tiêu diệt được di sản của mấy ngàn năm
dân tộc. Hãy nhìn những khuôn mặt rất trẻ trong cuộc tuần hành cho cây xanh, hãy
nghe Nguyễn Mai Trung Tuấn 15 tuổi nói về cái quyết tâm dành lại quyền con người
của em. Giữa giòng xoáy của bạo lực và sự sợ hãi, các em là những đốm lửa đủ
sáng, đủ tin cậy, đang nương vào nhau để thắp sáng và vực dậy di sản của dân
tộc. Di sản đó không thể bị tiêu diệt khi chúng ta còn những người con gái Việt
trẻ trung kiên cường như Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Phương Uyên, Đỗ thị Minh
Hạnh…khi chúng ta có những chàng trai bản lĩnh, nhiệt huyết như Lê Quốc Quân,
Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hoà, Trần Vũ An Bình… Bạo lực, nghịch cảnh không chỉ là
rào cản ngăn chặn ước mơ của chúng ta, mà chính nó còn thúc bách con người bước
đến với ước mơ ấy. Trong ý nghĩa đó, mọi nguy cơ đều ẩn chứa một cơ hội, một
thách đố … Và chỉ trong nguy cơ con người mới động tâm tìm ra sức bật để sinh
tồn và để vượt lên một tầm cao mới.
Bốn mươi năm đã quá đủ để người tù vừa
rời khỏi trại giam vẫn vững vàng bước chân, để người dân ngừng lời than oán cùng
sát vai nhau đòi lại cái quyền làm chủ đất nước này. Hàng trăm người ở Cam Ranh
đã xuống đường đòi quyền được đối thoại, hàng ngàn người ở Bình Thuận đã xuống
đường đòi giải quyết môi trường ô nhiễm, hàng ngàn người ở Hà Nội đã tuần hành
để bảo vệ cây xanh, và hàng chục ngàn công nhân đã xuống đường để phản đối điều
60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội… Những bước chân dồn dập của người dân trên các nẻo
đường đất nước đang làm rung chuyển chế độ độc tài.
Tôi nghĩ đến Nguyễn Đặng Minh Mẫn,
người thiếu nữ vừa mới bị biệt giam tuần rồi và câu nhắn của cô qua một tù nhân
lương tâm. Quả thật Minh Mẫn vẫn “ trước sau như một” .Tám năm tù với biết bao
nhiêu lần biệt giam không khuất phục nổi người thiếu nữ nhỏ nhắn này. Như bao
nhiêu người trẻ đang chịu trù dập, bách hại cho quê hương mình, Minh Mẫn chính
là cánh thiên nga trong lời thơ của thi sĩ Tagore và tôi tin rằng ban mai thế
nào cũng đến, bóng tối sẽ tan đi và tiếng đập cánh của thiên nga sẽ xé vòm trời
rực rỡ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét