Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Chuyện một lá cờ


Phạm Văn Thành
 
Tôi  được đưa vào gần bờ. Biển không còn những con sóng cao bạc đầu nữa, thay vào đó là những con thuyền gỗ sơn trắng xanh với hai bè càng  bằng tre đặc thù của dân đảo Phi. Sóng dạt nghiêng ngửa hai con thuyền sắt từ  trong bờ vươn ra đâm sầm lại, đầu cột ăn-ten là lá cờ Phi luật tân, dưới hai cửa sổ  buồng hoa tiêu là phần phật hai phiến vải màu vàng đâm ra hai bên mạn thuyền. Càng đến gần, màu vàng như càng bật phun ra những tia máu đỏ thẫm, như vẫy vùng trên mặt biển xanh  đang bắt đầu xám. Gần ba trăm con người hốt nhiên lặng người thảng thốt. Đám trẻ măng sữa đen đủi khựng cảm xúc khi nhìn thấy những khuôn mặt cha mẹ tự dưng như cứng lại, hầu hết đều lặng lẽ khóc ; những giọt nước mắt  không dễ hiểu đối vơí  tuổi thơ chúng đang mang.
                                               NVTNCS.jpg
Đàn người thoát chết trước đón  đàn người thoát chết sau ! Đại dương  hùng vĩ lùi dần, vùng miền  ngăn cách lùi dần, giọng nam giọng bắc  giọng trung … tự nhiên mất hẳn biên cương, chỉ còn là đàn người xúm xít hỏi han, tay bắt mặt mừng, sụt sịt vắn dài  lẫn trong tiếng đập gió phành phạch của những lá cờ vàng đang hòa trong tiếng sóng. Họ tự nhiên chia chung một cảm xúc của người vừa biết mình chính thức mất nước. Họ tìm được đâu đó tình yêu khó diễn giải về một tổ quốc nơi họ đã sinh ra, một đất nước mà họ ý thức rõ ràng rằng không còn trở về được nữa. Họ hốt nhiên cảm thấy lá cờ vàng như gói linh hồn  quê hương của họ trong đó; họ mờ mờ nhận ra sự sống, sự tự do mà họ đang vừa cầm chặt được, nó gắn bó mật thiết với lá cờ vừa trồi lên từ đại dương  cho họ bám vào trong cơn cuồng lũ đại hồng thủy. Lá cờ ấy, từ đấy được họ gọi là Lá Cờ  Của Tự Do.
 
NVTNCS.jpg
 
Bạn không là chiến binh. Bạn cũng chưa bao giờ  thấy những quan tài chật cứng trên những quân xa vận tải GMC chạy hơ hãi trên những quốc lộ miền Nam. Cạnh những quan tài phủ cờ vàng là những người cha mặt khắc khổ im lìm không còn nước mắt. Bạn chưa trong những đám tang liên tiếp, mà những người thiếu phụ lăn lộn cả xuống mộ huyệt, khi những tiếng súng vĩnh biệt vừa xé toang bầu trời, từng xẻng đất hất xuống cỗ quan tài không một vòng hoa, lá cờ vàng và những tia máu thắm  lạnh lùng cuốn lại  trao cho người thiếu phụ đang còn đứa con khát sữa, đang lăn lộn đòi lại  cái mà họ không bao giờ muốn mất : Chồng họ ! Con họ !
 
Bạn chưa từng xốn xang, khi đứng trước hàng ngàn ngôi mộ vừa mới đắp, bóng cờ vàng lặng lẽ xếp thành những hàng dài bát ngát, chân mộ  có những đứa trẻ khóc ngất kêu lên những tiếng ba ơi lạc giọng; có những  người con gái tóc thề  tay chân luống cuống một nhành hoa, lảo đảo bước chân tìm huyệt mộ người yêu trong trời chiều gió lộng ! Bạn chưa bao giờ thấy những đôi vai thanh xuân bé nhỏ ấy run lên từng chập giữa trời trưa xao xác đâu đó tiếng dế rù rì tình tự, như một lời kinh tận tình, bền bỉ …
 
Những người đã chết. Họ không chết vì những sự tung hô. Không chết vì những lý tưởng cao xa huyễn hoặc. Họ chết  chỉ vì họ là một người thanh niên, lớn lên  giữa thời binh lửa, nhà cầm quyền bảo họ tòng quân thì họ tòng quân, không muốn  cũng không được. Họ ngã xuống giữa trận tuyến, chưa chắc ý thức của họ đã hiểu rằng HỌ LÀ NGƯỜI  VỪA CHẾT CHO SỰ TỰ DO CỦA XỨ SỞ. Họ chết bình thường, như hơi thở của một con người, cuốn theo những đau đớn tột cùng cho những người ở lại.
 
Những con người ở lại đó, 40 năm sau mới thật sự chín mùi cho một  nhận định về cái chết của những người lính miền Nam đã hy sinh trong chiến tranh. CÁI GIÁ CỦA TỰ DO ! Bốn mươi năm sau cuộc chiến, con người Việt Nam mới thật sự ý thức được để cúi đầu  lặng lẽ tri ân những người lính chết trẻ ấy.
 
Con người ta  không ai là không sai lầm !
Con người ta , luôn luôn cần sự sám hối !
 
Thời gian  đằng đẳng đã qua đi  gần nửa thế kỷ. Thù hận ngỡ sẽ dễ tiêu tan, nhưng sự thực lại không diễn ra như vậy. Thế hệ  một chết đi, thế hệ hai vẫn tiếp tục giữ kỹ trong lòng, thế hệ ba cũng vậy. Tất cả chỉ bởi chúng ta đã thiếu lòng sám hối chân thực. Người lính miền Bắc đã tận tình phá nát miền nam, vì những chương giáo lý điên khùng. Đã đến lúc  cần tỉnh táo. Tỉnh táo cho em chúng ta, tỉnh táo cho con cháu chúng ta.
 
Chúng ta sẽ mãi mãi lầm lũi trong vô vọng, khi cứ nhất nhất rằng  lá cờ mà chúng ta đã đứng chào, đã hướng trông lên nó mà chiến đấu trong chiến tranh …là ta sẽ tôn thờ mãi mãi ! Đã đến lúc ta phải đặt những câu hỏi nghiêm khắc cho chính chúng ta, rằng lá cờ đó đã từ đâu đến ? Nó có thực sự là lá cờ giải phóng dân tộc hay không, hay đó chỉ là một lá cờ đã được vận dụng khôn khéo để  lùa dân ta  vào những chiến trường nồi da xáo thịt khốc liệt nhằm phục vụ cho quyền lợi một đế quốc màu đỏ mang tên cộng sản và mang quyền lợi cho Trung quốc khổng lồ ?
 
Các anh chị. Mười năm trước, 20 năm trước, bảo tôi viết  những giòng chữ này  tôi sẽ không viết! Không viết vì biết chắc chắn rằng các anh các chị không bao giờ nghe những gì chúng tôi nói hay chúng tôi viết ! Bảy mươi năm ! Bốn thế hệ đã liên tiếp kế tục nhau trưởng thành thì lý lẽ truyền thông một chiều  chắc chắn đã vững chãi như thành đồng ! Nên chúng tôi  chỉ còn cách duy nhất là tìm bom đạn để giành lại quê hương đất nước, được phần nào hay phần nấy, thậm chí không giành lại được cho dân tộc mảnh đất nào, chúng tôi cũng cam lòng chết bờ chết bụi bằng cái chết vô danh, cái chết của những người được các anh các chị gọi là Bọn Phản Động Phá Hoại. Cung cách chết ấy đúng thực là cung cách của người uống nước giòng Đồng Nai, nuốt hạt cơm giòng sông Hậu để khôn lớn làm người.
 
…chúng ta đang có một cánh đồng bát ngát  của tri thức  mà ai cũng có thể mở được nó ra, tận dụng và hưởng thụ. Vì cánh đồng tri thức bát ngát ấy, hôm nay tôi dám viết những giòng chữ này, nhân danh một người chiến binh chống cộng sản không quân phục còn sót lại của giai đoạn 1980, trân trọng gởi đến các anh các chị lời chân thành mong được nhìn thấy sự sám hối cao cả của các anh các chị, như chúng tôi hằng luôn sám hối vì đã để toàn vẹn đất nước rơi vào tay các anh các chị; vì đã để lớp đàn em tươi thắm phải  giáp mũ kiếm đao bút sách đâm sầm vào cuộc chiến đấu đầy cạm bẫy và muôn vàn sự đểu giả.
 
Sự sám hối ấy không phải với chúng tôi, không phải cho chúng tôi hay cho những người lính miền Nam đã chết. Chúng ta đã đầu hai thứ tóc, mặn nhạt đắng cay ắt rằng đã dôi dư để không còn muốn hơn thua  với nhau nữa làm gì. Chúng ta sám hối vì đàn em chúng ta, vì con cháu chúng ta, vì thế hệ tương lai bắt buộc chúng ta phải Sám Hối. Vì chỉ có thật lòng sám hối, chúng ta mới kết tụ lại được cùng nhau, mới bảo vệ được giang sơn đang bấp bênh bên bờ vực tử sinh này.
 
1902893_4884224960413_6950164772790174409_n.jpg
Hà Nội 1945
 
Hãy can trường vượt qua chính mình. Lá cờ vàng không có tội tình chi cả. Lá cờ ấy không phải của ông Diệm hay ông Nhu ông Thiệu. Lá cờ ấy là truyền thừa từ những vị vua anh hùng dân tộc Thành Thái - Duy Tân ... đã tung bay ngay tại thủ đô Hà nội, ngay khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, đế quốc Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam với đại diện chính thức là chính phủ Trần Trọng Kim. Lá cờ ấy  hiền lành  và đơn độc, đã bị đàn áp dã man bởi chủ nghĩa quốc tế cộng sản cominter để sau đó trương lá cờ đỏ đậm đà bản sắc Trung quốc lên, xô đẩy ba bốn thế hệ thanh niên Việt nam vào chảo lửa chiến tranh đúng với phương châm "Đánh Cho Đến Người Việt Nam Cuối Cùng"!
 
Vì danh dự của tiền nhân. Vì danh dự của con cháu chúng ta. Chúng ta phải chiến đấu. Phải tìm lại với nhau để chiến đấu.
 
phạmvănthành
 
paris  30.10.2014
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét