Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Trần Trung Đạo đến Berlin .



Dùng văn chương để mô tả một nhà văn thì chẳng khác gì múa rìu qua mắt thợ. Nhưng nhiều khi văn chương chỉ dùng để diễn tả một cảm xúc, một ấn tượng nên dù hay hoặc dở thì đó chỉ là một phương tiện để diễn đạt một khía cạnh của tâm hồn.
Trần Trung Đạo ghé đến Berlin như một cơn gió thỏang tình cờ . Một người anh trong gia đình đã từng học chung với Trần Trung Đạo dưới mái trường Đại Học Vạn Hạnh thuở xưa đã từng nói với chúng tôi trước khi Trần Trung Đạo đến Berlin : Trần Trung Đạo về chính trị là một người thực tâm yêu đất nước con người Việt Nam , về văn thơ là một cây viết có tầm vóc ở hải ngoại .
Quả thực khi gặp mặt Trần Trung Đạo thì đúng như Du Tử Lê đã nhận xét „ Trần Trung Đạo có vóc dáng rất Việt Nam , rất thư sinh nho nhã“ , ông rất nhỏ nhẹ lịch sự , giọng nói chỉ thoảng một dư âm xứ Quảng nhẹ nhàng tạo thiện cảm nhanh chóng trong khi tiếp xúc.

Trong buổi gặp gỡ ngắn tại sảnh đường khách sạn Schweizer Hof để bàn luận sơ về chương trình cho ngày hôm sau , chúng tôi cũng tình cờ được biết là buổi tâm tình với nhà thơ Trần Trung Đạo trùng với ngày kỷ niệm thành hôn 29năm của ông và phu nhân . Sự tình cờ trùng hợp đó có thể là nhân duyên để những người hâm mộ sau buổi tọa đàm có dịp chia vui cụng ly với vợ chồng ông.
Buổi tâm tình ngày 24.8.2014 được bắt đầu khoảng 30 phút chậm hơn ấn định vì có một số anh chị đến từ xa bị chậm trễ máy bay . Số người đến tham dự tuy không quá đông như trong dự đoán của ban tổ chức , nhưng những người có mặt hôm đó hầu hết là những người thực sự mến mộ ông từ lâu , có người đã hẹn hò với ông từ cả mười năm trước và có nhiều người đến từ xa như München , Frankfurt , Wiesbaden , Bremen , Hamburg … Họ đến để nghe và thưởng thức thơ văn của ông , để tìm được những đồng cảm về tình yêu quê hương đất nước.
Theo Du tử Lê : „thơ Trần Trung Đạo vời khuynh hướng kể chuyện một cách chân thiết đơn giản và phảng phất nhiều hơi hướm của thời tiền chiến“ và „với tấm lòng trái tim trĩu nặng hồn nước ông còn thể hiện qua các lãnh vực tùy bút tiểu luận về thời cuộc chính trị xã hội tôn giáo“ „ .. ông đem văn chương chữ nghĩa làm niềm tin nước Việt sẽ hồi sinh“
Trong phần đầu mọi người đã được nghe Trần Trung Đạo trải lòng mình về cuộc đời bất hạnh , về những cơ duyên trong thời thơ ấu của ông và về những phấn đấu không ngừng để thắng lại số phận cô đơn và hẩm hiu .
Ông mất mẹ rất sớm , nên trong thơ của ông luôn phảng phất tình yêu mẹ , một tình yêu mà suốt tuổi thơ ông đã thiếu thốn hoàn toàn . Sau đó cha ông lại qua đời khoảng một tuần trước tết Mậu Thân . Với 13tuổi ông lưu lạc đến Đà Nẵng du nhập với các trẻ bụi đời ngủ tạm trong càc nhà kho chứa gỗ . Sau biến cố Mậu Thân trường học Trần Quý Cáp tựu trường trở lại ông lại phải đi theo trường. May mắn là khi còn bé ông thường sinh hoạt trong Phật Tử và hát rất hay nên được các sư thương mến . Thế nên ở Hội An ông tìm vào cổng chùa và được sư trụ trì quen biết cho nương náu để đi học . Tại đây ông đã gặp chú tiểu Thích Như Điển và làm bạn với chú tiểu trong suốt thời gian cơ hàn nhưng đậm tình thân này. Sau khi tốt nghiệp Trung Học, ông vào Saigòn ghi danh nhập học Đại Học niên khóa 1972. Tại đây một lần nữa ông được một bà mẹ „ Hòa Hưng „ đem tình mẫu tử chia sẻ đùm bọc yêu thưong ông.
Sở dĩ tôi dài dòng về tiểu sử của Trần Trung Đạo để nhấn mạnh về sự lương thiện của lòng người miền Nam VN , dù trong chiến tranh nhưng một đứa trẻ tứ cố vô thân vẫn có thể tiến thân trong tình thương của môi trường xã hội xung quanh. Đó là cái thiện vẫn còn sống dưới chế độ VNCH , đó là một điều không thể xảy ra trong cái xã hội Việt Nam hiện tại với sự băng hoại về đạo đức luân lý đến cùng cực .
Nói về quan điểm chính trị ông có một tầm nhìn đứng đắn về đảng phái và dân tộc. Đảng phái chỉ là những con thuyền đưa ta đến bến bờ dân tộc . Con thuyền không phải là bờ bến , đảng phái cũng không phải là dân tộc. Nhiều khi vì quyền lợi đảng phái mà một số người đã quên đi quyền lợi dân tộc. Ngay cả cái cờ đảng phái cũng không thể đại diện cho dân tộc. Nói theo ông Trần Trung Đạo „ nếu có ai dan díu với lá cờ Cộng Sản thì đó là chuyện cá nhân của họ , nhưng lá cờ vàng vẫn là lá cờ của dân tộc vì lá cờ vàng có chính nghĩa „ Vâng , lá cờ vàng chưa hề làm hổ danh cho quê hương đất nước VN , đã có biết bao nhiên anh linh tử sĩ đã nằm xuống để bảo vệ lá cờ này, để chống đỡ sự bành trướng của chư hần Cộng Sản , để gìn giữ tự do và nhân bản. Trần Trung Đạo đã khẳng định trước diễn đàn“ nếu hôm nay không có chào Quốc Kỳ VNCH thì tôi sẽ không nói chuyện buổi này „
Trong buổi tâm tình , Trần Trung Đạo cũng chia sẻ tâm tư về vấn đề Biển Đông , về nhân quyền tại Việt Nam . Ông cũng trăn trở tìm cách giúp đỡ trực tiếp hoặc gián tiếp đến những người trẻ tuổi gan dạ đứng lên chống bạo quyền trong nước. Ông viết lách chuyển tải kinh nghiệm tái lập thể chế chính phủ trên toàn thế giới từ Do Thái , Hoa Kỳ đến Phần Lan để cho giới trẻ trong nước học hiểu .
Ông kêu gọi người dân Việt Nam đặc biệt là giới trẻ , những hy vọng cho tương lai đất nước , phải phát triển ý thức xã hội , nâng cao dân trí và tận dụng sức mạnh toàn dân để thay đổi được hiện tình đất nước. Muốn thắng Trung Cộng chúng ta phải thay đổi vận mệnh cuả chính mình để đất nước sớm có tự do dân chủ. VN phải có dân chủ trước Trung Cộng thì chúng ta mới thắng Trung Cộng . Đảng CSVN lệ thuộc Trung Cộng nhưng người dân VN không lệ thuộc Trung Cộng.
Ông cũng kêu gọi người Việt hải ngoại hãy đoàn kết trong tinh thần tương kính lẫn nhau vì con đường cứu nước rất rộng , mọi người đều có thể phụ trách đóng góp vào nhiều lãnh vực mà không va chạm với nhau.
Về phần thi ca thì chị Hiền ( Frankfurt) đã mở đầu bằng bài thơ của Võ Đại Tôn , một Quan và là một khách mời mới đây cuả Berlin , viết tặng Trần Trung Đạo là một Quan Văn cùng chung chí hướng . Sau đó xen kẽ vào chương trình chị Phượng ( Berlin ) đã ngâm bài thơ nổi tiếng của ông Trần Trung Đạo „Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười „ với đàn đệm Guitar của chính tác giả.
Trần Trung Đạo cũng tự ngâm một bài thơ tâm đắc của ông để tặng khán giả :
Đời xô ta gục buồn không trách
Vẫn đứng lên cười với thế nhân…
Và Phạm Công Hoàng( Hamburg ) đã đóng góp bài thơ ca „ Tương kính trong liên kết „ tự sáng tác theo nguồn cảm hứng trước tư tưởng của Trần Trung Đạo
Sau buổi hội thoại rất chân tình giữa diễn giả với khách tham dự , chị Hiền ( Frankfurt ) đã ngâm bài thơ “ Em bé Việt Nam và viên sỏi “ trước khi ông Nguyễn đình Tâm , nìên trưởng Berlin , lên phát biểu lời cám ơn đến ông Trần Trung Đạo . Chương trình đã kết thúc trễ hơn 45 phút , nhưng mọi người vẫn còn lưu luyến ở lại chụp hình kỷ niệm với ông .
Tối hôm đó , tại tư thất tuy không được rộng rãi lắm nhưng cũng đủ chỗ cho gần hai mươi người cùng chung vui thân mật ngày kỷ niệm 29 năm thành hôn với gia đình Trần Trung Đạo cho tới khuya.
Trần Trung Đạo đã để lại một dấu ấn rất tốt đẹp ở Berlin và ở Đức Quốc . Buổi tâm tình đượm chất thi ca thắm tình dân tộc quê hương . Ông đã chuyển tải một hình thức tranh đấu ôn hòa , dùng ngòi bút để khai phóng dân trí và để góp theo ngọn gió dân chủ tư do thổi về Việt Nam .
Nhiều Hội Đoàn tại nhiều nơi trên nước Đức rất muốn mời ông đên nói chuyện với đồng hương . Dù ông không hứa nhưng họ vẫn hy vọng vào một cơ duyên trong tương lai.

BS Hoàng Thị Mỹ Lâm
LHNVTN tại CHLB Đức
Berlin , 6.9.2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét