Trần Văn Tích
Viết tặng những người bạn chiến đấu thuộc nhóm Vinh Danh Cờ Vàng Hoà
Lan
Trong cuộc
sống hàng ngày con người xử sự theo lý trí hoặc theo tình cảm. Lý trí là khả
năng phán đoán chính xác để phân biệt giữa đúng và sai, giữa phải và trái, giữa
tốt và xấu, giữa hay và dở. Lý trí phán đoán chịu ảnh hưởng của thành kiến, tập
quán, đam mê, tưởng tượng. Lý trí soi sáng ý chí và hỗ trợ ý chí chống lại các
thế lực thù nghịch chỉ chực che đậy lẽ phải như thói quen, như mê đắm v.v.. Đối
với từng cá nhân, lý trí điều chỉnh cung cách xử sự cho hợp với những điều được
xem là phải và tốt. Khi đi tìm một biểu tượng cụ thể hữu hình cho đại cuộc đấu
tranh chống cộng trong cuộc sống lưu vong tỵ nạn, cả lý trí lẫn tình cảm của
người Việt hải ngoại đều đương nhiên chọn lá cờ nền vàng ba sọc đỏ.
Thế nhưng
giống như con người, những lá cờ cũng có một tên gọi và cũng mang một số mệnh.
Trong bài này xin đề cập đến ba lá cờ hầu như cùng mang một mẫu số chung về lộ
trình lịch sử.
*
Trong cuộc chiến
tranh Nam-Bắc ở Hoa Kỳ, Miền Nam từng có những lá cờ riêng, khác với Miền Bắc.
Khi nội chiến kết thúc, sau khi tướng Lee ra lệnh buông súng, người dân người
lính Miền Nam nhiều người nhiều nơi vẫn mãi mãi lưu giữ cây cờ dưới bóng nó mình
từng chiến đấu, thường thường là với ít nhiều biến đổi. Cờ Liên minh
(Confederate flag) của các
Quốc gia Liên minh Mỹ châu (Confederate States of America)
có nhiều hình thức và một trong những ngọn cờ được
biết đến nhiều là ngọn cờ Stars and Bars, tạm dịch là “sao và
song“*; trong khi danh
hiệu chính thức của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là United States of America,
với lá cờ biểu tượng là
Stars and
Stripes, tạm dịch thành “sao và sọc“. Hiệu kỳ của các tiểu
bang Miền Nam cũ như Alabama, Mississipi, Georgia v.v..vẫn còn mang nhiều vết
tích kỷ vật của cây cờ Liên minh. Nhiều đạo luật do các cơ quan lập pháp soạn
thảo hay do các thống đốc tiểu bang ban hành đã minh định kích thước, màu sắc,
trang trí, sử dụng các hiệu kỳ tiểu bang nhằm dung hoà lịch sử với thực tế.
Những thế hệ đã đổ máu vì ngọn cờ Liên minh kiên định lập trường bảo tồn hoài
niệm liên quan đến ngọn cờ của những tháng năm cũ, dẫu rằng nhu cầu xác nhận căn
cuớc, mục tiêu giữ lại gốc nguồn không còn ý nghĩa nữa qua thực tế hiện hữu của
một siêu cường thống nhất trong dân chủ tự do. Ngay ngày nay, nhiều gia đình ở
Miền Nam Hoa Kỳ vẫn treo cờ Liên minh trước cổng ngõ hay trên nóc nhà. Có những
dật sự độc đáo và cảm động. Chẳng hạn câu chuyện ngọn cờ trên nóc
Thủ Lý
Thành. Trong cuộc chiến chiếm đảo Okinawa năm 1945 giữa hai
quân đội Mỹ-Nhật, một người lính thủy Hoa Kỳ treo cao cây cờ
Confederate flag trên
nóc chiến lũy Shuri Castle, Thủ Lý Thành, sau
khi chiếm được chiến lũy. Cây cờ bay phất phới trong ba ngày liền, nhìn từ xa
hàng mấy dặm cũng thấy được. Nhưng rồi Tướng Simon Buckner Jr. (con trai tướng
Miền Nam Simon Buckner Sr.) ra lệnh thay thế bằng lá cờ
Stars and
Stripes với lý do Americans all over are involved in this battle
(Người Mỹ ở khắp nơi đã tham gia trận chiến này).Tại
Brasil hiện nay vẫn có một ngôi làng thường xuyên và kiên trì giương cao ngọn
cờ
Confederate flag. Họ là hậu duệ của
một nhóm tàn quân Miền Nam không muốn khuất phục Miền Bắc nên đã bồng bế vợ con
mang theo của cải lưu vong di tản sang nước láng
giềng.
*
Quốc kỳ nước Nga
hiện nay cũng được gọi là cờ tam sắc vì gồm ba màu sắp
xềp dọc từ trên xuống dưới : trắng, xanh, đỏ. Thực ra đây chính là lá cờ của chế
độ Sa hoàng.
Lịch sử có
thiên hướng công nhận lá cờ trắng xanh đỏ là lá cờ chính thức của vương triều
Nga la tư vì trước Pierre Đại đế (1682-1725) nước Nga không có quốc kỳ. Năm
1699, Sa hoàng Pierre Đại đế quyết định chọn cho đất nước một lá cờ chính thức.
Lá cờ đó do kỹ sư hàng hải gốc Hoà Lan David Butler phác hoạ dựa vào quốc kỳ tam
sắc Hoà Lan. Năm 1896, nhân dịp tiến hành lễ đăng quang cho Sa hoàng Nicolas Đệ
nhị, cờ tam sắc Nga được sử dụng công khai và chính thức. Ý nghĩa tượng trưng
của ba màu thời nguyên thủy là nhà vua (trắng), bầu trời (xanh) và dân tộc (đỏ).
Kể từ ngày
Cách mạng Tháng mười Nga bùng nổ, lá cờ tam sắc, vốn gắn bó với đế quyền và với
bạch vệ, tiếp tục được cộng đồng di dân Bạch Nga sử dụng liên tục trong tư thế
và với vị trí ngoại biên nghĩa là ở nước ngoài.
Người Nga di
tản theo nhiều đợt. Sau năm 1917, đợt di tản thứ nhất bao gồm những người không
chấp nhận chế độ bôn-sê-vích. Đợt di tản thứ hai xảy ra năm 1948, sau Đệ nhị Thế
chiến và qui tụ các tù nhân xô viết, các nạn nhân bị đày biệt xứ không chịu trở
về nguyên quán. Đợt di tản thứ ba vào thập niên 70 có đối tượng là những di dân
xô-viết, các trí thức Do Thái, các nhân vật “đối kháng“. Nhưng dẫu ly hương theo
làn sóng trước sau và trong tư cách khác nhau, cộng đồng tỵ nạn lưu vong Nga
luôn luôn đứng dưới lá cờ ba màu trắng-xanh-đỏ.
Và lá cờ đó đã
trở về. Nó đã trở về sau khi chế độ cộng sản bị xoá sổ và Liên bang Xô viết tan
rã. Trong quốc hội nước Nga ngày nay, tỷ số giữa các dân biểu đảng viên cộng sản
so với các dân biểu phe quốc gia và phe tự do thay đổi nhưng tất cả đều ngồi họp
chung dưới lá cờ ba màu trắng-xanh- đỏ của chế độ Sa hoàng xưa. Trên đỉnh điện
Kremlin, cũng ngọn quốc kỳ tam sắc thời Nga hoàng đang lộng gió tung
bay.
*
Thực ra có
những lá cờ không mang cùng thân phận với lá cờ Việt Nam Cộng Hoà hay lá cờ Sa
hoàng của Nga hoặc lá cờ Liên minh của Mỹ. Trong thế chiến thứ hai, cả hai phe
thân Đức và chống Đức ở Pháp đều cùng sử dụng cờ tam tài xanh-trắng-đỏ. Trong
chiến tranh lạnh vừa qua, phía Cộng hoà Liên bang Đức (Tây Đức) cũng như phía
Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức) đều có chung một lá cờ đen-đỏ-vàng.
Người Việt Nam
tỵ nạn mang theo lá cờ biểu tượng của nền Cộng hoà. Nếu di dân Nga chủ yếu gồm
những thành phần men-sê-vích và lực lượng bạch vệ – lực lượng bạch vệ có thể
được xem như đối lập với hồng quân trong nước – thì nòng cốt tập thể lưu vong
Việt gồm trí thức, công chức và cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hoà – tập thể này có
thể được xem như đối thủ của quân đội nhân dân tại quốc nội.
Sau nhiều đợt
di tản dưới nhiều hình thức – thuyền nhân, ODP, HO, đoàn tụ gia đình – cộng đồng
tỵ nạn lưu vong Việt Nam hình thành dưới bóng quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ trong
tư thế chống độc tài độc đảng, chống chuyên chính vô sản, chống xã hội chủ
nghĩa, chống cộng sản bạo tàn. Nếu ngày trước, các nước thuộc địa trước sau cũng
giành lại độc lập do xu hướng giải thực tất yếu của lịch sử thì ngày nay, ba bốn
nước cộng sản còn lại thế nào cũng phải giải thể để chuyển sang chế độ dân chủ
tự do. Đây là một qui luật chính trị-xã hội-lịch sử khách quan tất phải như thế,
không thể nào khác được. Và ngày đó, ngọn cờ nền vàng ba sọc đỏ sẽ lại tung bay
dưới bầu trời dải đất chữ S, giống như là cờ của chế độ Sa hoàng đã quay trở lại
nước Nga. Có thể không giống như nước Nga hiện nay, quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà sẽ
không bay theo gió trên các dinh thự chính quyền, trong phòng họp khoáng đại của
quốc hội v.v..vì có khi quốc hội thực sự dân cử hậu cộng sản sẽ chọn một mẫu
quốc kỳ khác. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, ngọn cờ nền vàng ba sọc đỏ thân
thương chắc chắn vẫn sẽ có cơ may được giương hào hùng trước cổng vào hay treo
trang trọng trong tư gia của những thành phần dân tộc đã từng sinh sống và chiến
đấu dưới bóng nó. Như lá cờ Confederate flag hiện
nay.
Số mệnh của lá
quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà nền vàng ba sọc đỏ, căn cứ vào các diễn biến lịch sử
nhân loại, qui định và quyết định rằng nó sẽ trở về. Định mệnh của nó như vậy,
cộng sản không thể nào cưỡng lại được.
07.04.2014
*Chữ song ở đây là nói tắt hai chữ chấn song,
nhằm chỉ những thanh gỗ hay thanh sắt lắp
vào với nhau để làm vật chắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét