Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Người Việt tại Đức !

Người Việt tại Đức !
Trong năm 2013 được biết tại Đức có 4 người Việt được xã hội Đức vinh danh qua các hoạt động thiện nguyện nhiều năm, góp phần thực hiện các dự án „hội nhập“ (Integration), có thành tích đóng góp cho xã hội qua việc sống chung hài hòa trong cộng đồng Việt-Đức.
Danh sách 4 người:
1.     Ngày 1.10.2013, bà THÚY NONNEMANN (Berlin), được Thị trưởng Bá Linh Klaus Wowereit trao tặng huân chương „công trạng“ của Berlin.
2.     Ngày 7.11.2013, ông NGUYỄN VĂN RỊ (Mönchengladbach), được bà Bộ trưởng Sylvia Löhrmann, thay mặt bà Thủ hiến Hannelore Kraft trao tặng huân chương „công trạng“ của bang Nordrhein-Westfalen.
3.     Ngày 2.12.2013, ông LÂM ĐĂNG CHÂU (Hannover), được Thị trưởng Hannover Stefan Schostok trao giải „Hội nhập“ trong lãnh vực „sống chung, trao đổi văn hóa, tôn giáo“.
4.     Ngày 4.12.2013, ông TRẦN HUÊ (Göppingen), được Thị trưởng Göppingen Guido Till trao „huân chương công dân“ cho các hoạt động thiện nguyện xã hội.
Tại thành phố Hannover, nơi có ngôi chùa Viên Giác, 1978, còn là Trung tâm Văn hóa Xã hội Phật giáo Việt Nam tại Đức, Tổ chức Nhân quyền Việt Nam, 1978 và Trung Tâm Việt Nam Hannover, 1986, (Vietnam-Zentrum-Hannover e.V.). Ba tổ chức nầy trong 30 năm qua đã đóng góp nhiều về lãnh vực văn hóa, xã hội, nhân quyền, tôn giáo. Trong năm 2012 và 2013 tại Hannover, ông LĐC đã 3 lần được trao giải „Hội nhập“, qua các hoạt động thiện nguyện nhiều năm cho cộng đồng Việt Nam và các dự án „hội nhập“ sống chung giữa người Việt và Đức:

-         Ngày 1.10.2012, ông được Chủ tịch Hauke Jagau (Regionspräsident) vùng Hannover, vinh danh các hoạt động thiện nguyện.
-         Ngày 11.09.2013, ông nhận giải „hội nhập“ do bà Chủ tịch Christine Kastning, trưởng khối Dân chủ Xã hội trong Hội đồng thành phố Hannover, trao giải tại Tòa Thị sảnh Hannover.
-         Ngày 2.12.2013, ông được Thị trưởng Hannover vinh danh (tin trên)…
Báo Neue Presse (12.9.2013) đã viết về ông, nhân buổi trao giải ngày 11.9.2013 như sau: „Ông Đăng Châu Lâm, 63 tuổi, đến Đức du học năm 1968. Ông rất quan tâm về người di dân tại Hannover và việc sống chung bình đẳng tất cả mọi người trong xã hội. Theo ông người di dân cần chứng tỏ sự hiện diện của mình và đẩy mạnh các hoạt động xã hội văn hóa của các tổ chức người di dân. Ngoài ra ông Lâm còn vận động thành phố Hannover ủng hộ người di dân, những người không đến từ các quốc gia thuộc Liên hiệp Âu châu, được quyền tham gia các cuộc bầu cử Hội đồng Thành phố“…
Xã hội Đức dần dần phải công nhận những thành quả của người ngoại quốc sống trên nước Đức, về những hoạt động hữu ích của các hội đoàn người di dân (Migrantenselbstorganisationen – MSO), góp phần vào cuộc sống chung hài hòa và phát triển nước Đức.
Bốn người nầy đã mang vinh dự cho người Việt, tạo tiếng tốt cho cộng đồng Việt tại Đức.
T.T ghi
(02.01.2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét