Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

BA MÓN QUÀ GIÁNG SINH
* ĐINH LÂM THANH *
                  

Được tiếng là giáo viên trường tiểu học quận, thuộc thành phần công nhân viên nhà nước nhưng Trực còn nghèo hơn cả những người buôn thúng bán bưng trong khu vực. Tiền của chẳng có, gia tài cũng không, một đầu lương giáo viên tiểu học không đủ hai bữa cháo cho ba miệng ăn. Căn chái bằng tôn thuê của người chủ bên cạnh chỉ vừa đủ chỗ cho chiếc giường hai vợ chồng cùng đứa con gái và cái tủ đặt nằm sát vách. Chiếc bàn nhỏ cộng với hai ghế đóng bằng ván thùng dùng để chấm bài nằm sát lối ra vào. Công việc bếp núc đều nhờ vào ông Táo lưu động đốt bằng dầu hôi. Bình thường để trong góc nhà, giờ làm bếp, có lúc ông được ngồi trên bàn hoặc phải ra ngoài lối đi. Chiếc xe đạp của Trực, ngày phải khóa cẩn thận bên hông nhà, tối đến mới cột vào thành giường để tránh mất trộm. Tình trạng nhà cửa như vậy, nhưng thời buổi nầy, Trực phải bấm bụng trích ra trên một nửa tiền lương để có nơi đột nắng che mưa đồng thời bám lấy hộ khẩu thường trú tại ven đô Sàigòn. Thuộc thành phần người lao động ‘bán phổi’ và ‘đứng lớp’ tám giờ một ngày, tuổi Trực vừa trên ba mươi nhưng trông đã vượt ra ngoài năm chục. Người ốm, xương hiện rõ nét từ trên mặt, nhất là hai gò má, đôi mắt và các ống xương tay chân. Đã vậy, cái quần ‘bò’ và chiếc áo trắng mua ở chợ ‘sida’ quá khổ, quần xệ dưới rún, áo rộng thùng thình trông như hình người nộm treo ngoài đồng. Thực ra vóc dáng Trực trước đây không tệ nhưng đã xuống sắc kể từ ngày Huệ bị mất việc, ngã bệnh và trở thành phế nhân từ trên một năm nay.
    Cha Trực làm phu khuân vác, thuộc thành phần nằm vùng cộng sản tại bến cảng Sàigòn. Sau thất bại biến cố năm Mậu Thân 1968 ông đã âm thầm chạy theo địch rút vào bưng và biệt tăm từ ngày đó. Bà Chính trở thành người buôn thúng bán bưng hàng rau cải trong các chợ mặc dù cái thai Trực đang lớn dần trong bụng. Thời gian nầy gia đình cũng như hàng xóm không biết ông Chính thất lạc nơi đâu hay đã chết vì bom đạn. Cho đến lúc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa mời lên nói chuyện thì mới hay chồng bà đã tập kết ra Bắc. Kể từ đó, địa phương thường theo dõi và lưu ý bà vấn đề liên hệ với thành phần cộng sản nằm vùng. Trong thời gian nầy ông Chính thường gởi vài đồng chí lén lút đến tận nhà yêu cầu cung cấp gạo, mắm, cá khô và thuốc Tây. Đôi lúc họ còn yêu cầu bà Chính giúp cho một vài du kích trốn qua đêm tại nhà, và những người khách miễn cưỡng nầy còn đưa nhiều xấp truyền đơn buộc bà phải tung vào các buổi họp chợ.
   Kể từ  ngày ông Chính tập kết, bà chưa bao giờ gặp mặt, chỉ được biết qua tin tức và mệnh lệnh cung cấp thực phẩm của những người giao liên. Gia đình đã nghèo, miếng ăn chưa đủ cho hai mẹ con, bà phải tiết kiệm tối đa để có thể cung cấp những nhu yếu phẩm theo lệnh ông Chính. Bận rộn nhất là các dịp lễ và Tết Nguyên Đán, bà phải tự tay làm hoặc kín đáo mua một số lớn bánh tét ngoài chợ để chuyển vào bưng cho bộ đội ăn Tết. Có lần bà thành thật thưa với những người giao liên :
   - Xin các ông giúp cho một ít phương tiện, mẹ con tôi sống đã khó khăn, lấy đâu tiền bạc mua sắm cho các anh.

   Tên trưởng toán trợn mắt trả lời :
   - Cuộc chiến đấu chống Mỹ-Ngụy là nhiệm vu của toàn dân. Ai cũng phải đóng góp. Gia đình bà thuộc thành phần cách mạng, phải làm gương hy sinh hơn những người dân trong Nam nầy. Bà không thấy ở ngoài Bắc, dù bị bọn Mỹ dội bon suốt ngày, dân miền Bắc thiếu thốn đủ thứ nhưng cũng ‘hồ hởi’ cắn hạt gạo ra làm đôi để cung cấp cho miền Nam !
   Bà Chính chưa biết trả lời thế nào cho qua chuyện, tên trưởng toán càng tiến tới :
   - Mai đây cách mạng thành công, tài sản, nhà cửa, ruộng vườn tại miền Nam nầy là của nhân dân ta, bà sẽ tha hồ mà hưởng ! 
   Nghe vậy bà Chính cũng hy vọng một ngày bà sẽ trở thành chủ nhân một số đất đai ruộng vườn trong quận bà đang ở nên đành bấm bụng thi hành những gì ông Chính yêu cầu. Điều ao ước quan trọng nhất là ngày đó, bà sẽ được dịp đứng ra trị tội mấy tên Cảnh sát và An ninh Quân đội đã điều tra hạch hỏi và làm khó bà trong thời gian qua. Bà cũng cũng tự hứa với lòng, tới đó bà sẽ đem các tên phú hộ trong quận ra đấu tố trước tòa án nhân dân như ngoài Bắc mà các người giao liên đã nói cho biết.
   Lúc Trực được sáu tuổi thì miền Nam rơi vào tay cộng sản. Bà Chính, được vinh danh là mẹ nuôi, có công đùm bọc cán bộ cộng sản nằm vùng ở ven đô Sàigòn dưới thời Mỹ-Ngụy. Vài ngày sau khi cướp xong miền Nam, ‘nhà nước mới’ ban cho bà Chính một bằng khen là thành phần có công với cách mạng, cọng thêm hơn chục ký gạo, một ít vải. Gạo chỉ đủ ăn trong vài tuần và hai thước vải khác màu nhưng bà Chính vẫn hân hạnh đưa thợ may cái quần ống đen ống trắng để mặc ra đường. Dần dần ‘nhà nước mới’ cũng lơ là việc cung cấp thực phẩm cho gia đình. Nhà càng lúc càng thiếu thốn nhưng trên vách tường thì cứ mỗi dịp Tết Nguyên Đán hay lễ mừng chiến thắng lại có thêm giấy ban khen và một ít ân huệ bằng thực phẩm dùng không quá hai ngày. Rồi cuộc sống vẫn trở lại những ngày khó khăn lúc đầu, bà Chính xin vào làm việc trong các cơ quan mới của nhà nước nhưng chỉ đọc bập bẹ vài chữ nên không được sung vào các tổ chức hành chánh địa phương cũng như các cơ quan phân phối thực phẩm theo chế độ hộ khẩu của phường khóm. Chỉ còn cách trông người chồng trở vào Nam để gia đình bà được đổi đời như những cán bộ khác đang ăn trên ngồi trước và hưởng nhiều đặc ân của chế độ mới. Nhưng ước mơ của bà trở thành vô vọng, bà hoàn toàn mất liên lạc với ông Chính.
   Trực sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, dù vậy bà Chính cũng xoay xở lo cho Trực vào được trường tiểu học quận. Sau ngày cộng sản vào, Trực được xếp vào thành phần tiên tiến bé ngoan của bác Hồ…Nhờ trí thông minh và chịu khó học hành và sau chương trình văn hoá, Trực được ưu tiên vào trường sư phạm tiểu học. Khi ra trường, cũng vì thuộc thành phần cách mạng, Trực được về dạy học tại trường quận theo đơn xin. Nhưng dạy học là nghề bạc như vôi và rách như cái xơ mướp, dù vậy Trực cũng không được yên thân khi Hà Nội đưa hàng loạt cán-bộ-giáo-viên từ miền Bắc vào. Chúng đã dạy ít giờ, chiếm tất cả các chỗ tốt và ‘đứng lớp’ ít hơn những giáo viên gốc miền Nam. Đã thế, thành phần nầy vẫn ngoan cố khi đặt chân vào Nam, chúng thường lên lớp to mồm ca ngợi bất cứ cái gì của miền Bắc cũng  tiên tiến hiện đại, là đỉnh cao của nhân loại trong lúc những người từ ngoài Bắc vào trước đây, kể cả đảng viên và bọn tuyên truyền đã thật sự sáng mắt về những chuyện bịp bợm láo khoét mà chế độ cộng sản đã nhồi vào đầu nhân dân miền Bắc. Những tên giáo viên dép râu mới nầy, dù đã va chạm với thực tế tại miền Nam, nhưng vẫn ngoan cố tiếp tục hót như con vẹt những giọng điệu cũ rích mà Hà Nội, đến giờ nấy vẫn xem như giáo điều của chế độ.
   Thực tình Trực chưa muốn lập gia đình nhưng bà Chính ngày đêm vẫn ao ước con bà gặp được một người nào đó, không cần sang giàu, không cần cán bộ đảng viên, miễn làm sao trở thành vợ hiền dâu thảo của gia đình thì đó chính là hạnh phúc những ngày cuối cùng của những ngày còn lại. Bà thường dò hỏi và nhờ bạn bè bắt mối kiếm dâu để cho nhà đở đơn chiếc. Nghe mãi rồi Trực cũng xiêu lòng và đã dễ dàng ngã vào đôi tay của một nữ công nhân nhà máy dệt quốc doanh. Huệ không đẹp nhưng thùy mỵ, chất phác của một người lớn lên từ vùng đồng bằng sông Hậu. Đời sống thôn quê đã khó khăn, hơn nữa, gái tại các vùng hẻo lánh lại càng khó kiếm chồng vì đa số thanh niên thuộc gia đình có tiền hay đã qua được bậc tiểu học đều bỏ xứ lên các thành phố lớn kiếm việc và bám rễ vào những gia đình ở đây. Huệ không thể tiếp tục cuộc sống nhàm chán, ngày làm mướn tối về hai bữa dưa muối, nàng dứt khoát phải lên Sàigòn để kiếm cơ hội đổi đời mặc dù tại đây không có bà con thân nhân. Bước đầu Huệ làm thuê cho những gia đình giàu có và ban đêm chịu khó đi học một khóa hướng nghiệp về nghề may cắt kỹ nghệ. Sau khi tốt nghiệp, Huệ kiếm được một vai công nhân trong một cơ sở may hàng xuất khẩu, từ đó nàng tự lập, mướn nhà chung với các bạn đồng nghiệp, ăn uống tằn tiện và cũng sắm được vài bộ áo hợp thời, biết trang điểm son phấn để ra đường với bạn bè.
     Trực và Huệ cùng ở chung một khu vực, họ thường gặp nhau trong các buổi kiểm điểm và học tập chính trị của tổ dân phố. Trai là nhà giáo độc thân và gái công nhân xí nghiệp ở một mình, họ dễ dàng kết thân và đi đến chuyện tình cảm. Bà Chính vừa hay chuyện đã vội giục Trực tiến đến việc hôn nhân. Tuy vẫn còn do dự nhưng Trực phải nghe lời vì sức khỏe của bà Chính một ngày càng giảm sút. Thế rồi một đám cưới đơn sơ xảy ra giữa hai gia đình với sự góp mặt của vài ba đồng nghiệp thân thiết của trường tiểu học quận và công ty may mặc xuất khẩu. Sau lễ cưới, Huệ về ở chung với gia đình Trực, tuy hai đầu lương chết đói nhưng cả gia đình biết đùm bọc lẫn nhau sống đơn giản nên cuộc sống cũng tạm qua ngày. Phần bà Chính vì buồn chồng bội bạc mà bệnh tình càng ngày càng trầm trọng. 
   Nghe tin những người đi tập kết từ miền Bắc trở vô Nam đảm nhận những chức vụ lớn, ngày đêm bà nôn nóng tin chồng trở về. Mãi mười lăm năm sau thì bà được tin từ Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố cho biết ông Chính muốn gặp bà. Mừng tủi lẫn lộn, bà cùng Trực và Huệ vội vàng đi gặp người thân. Nhưng vừa đến trước cửa một ngôi nhà lớn ở đường Võ thị Sáu, bà Chính không tin vào mắt mình khi thấy đang đứng trước một dinh thự với một toán bộ đội gác cổng. Trước đây 23 năm, chồng bà chỉ là một người thợ hàn hạn bét, ít học và giỏi lắm cũng chỉ đọc chập chững được vài trang quảng cáo của những tờ báo lá cải, nhưng bây giờ đang ở trong một biệt thự dành riêng cho các cán bộ đảng viên cao cấp. Cả ba mẹ con đang phân vân không biết có sự lầm lẫn không thì một giọng nạt lớn của người gác cổng :
   - Tránh đi nơi khác. Không được đứng trước cơ quan nhà nước.
   Bà Chính trả lời với giọng ngập ngừng :
   - Thưa bộ đội…tôi đến gặp chồng tôi tên Chính !
   Tên vệ binh gác cổng lạnh lùng :
   - Không có ai tên Chính. Đây là nhà của Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố.
   - Thưa bộ đội, chồng tôi tên Chính tập kết ra Bắc trên hai chục năm nay.
    Ra vẽ ngạc nhiên, hắn xua tay đuổi :
   - Chồng ? Ai là chồng bà trong nhà nầy ? Xéo đi ngay nơi khác ! 
   Bà Chính năn nỉ :
   - Thật mà bộ đội ! Chồng tôi tên Chính. Tôi có giấy báo của quận cho hay để đến thăm tại địa chỉ nầy.
   Tên lính gác nhận tờ giấy trên tay bà Chính và nhấc điện thoại gọi vào trong. Một lát sau nó yêu cầu đưa các giỏ xách tay để khám xét. Sau khi nhìn thấy hơn một chục cam Cái Bè dùng để làm quà, chúng cho phép từng người một bước qua cánh cửa sắt.
   Trực hỏi nhỏ mẹ :
   - Theo như anh vệ binh vừa nói, cha là chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố phải không mẹ ?
   Bà Chính lộ vẽ mừng ra mặt, hấp tấp theo tên vệ binh vừa trả lời Trực qua hởi thở :
   - Nếu được vậy thì thật phúc đức của ông bà để lại.
   Cả ba người theo chân tên gác cổng bước lên các bực cấp và được lệnh phải đợi trước cửa phòng khách. Một tên vệ binh khác, lớn người, vẻ mặt gian ác đã có mặt sẵn tại đây lớn tiếng ra lệnh :
   - Tất cả đợi đây, khi nào bà chủ tịch cho phép mới được vào phòng khách.
  Đây là một dinh thự lớn ba từng lầu, có sân bao bọc chung quanh. Trong khu vực thấp thoáng hàng chục vệ sĩ và nhân viên phục dịch, bọn chúng đang canh chừng ba người nghèo khổ đứng chờ chủ nhà. Chừng vài phút sau một người đàn bà bước ra và hỏi :
   - Mụ là mụ Chính ?
   Bà Chính khúm núm :
   - Dạ đúng, thưa bà !   
   Chủ nhà lên giọng :
    - Mụ nói có giấy mời ? Đưa đây xem !
   Vừa liếc sơ qua tờ giấy, người đàn bà ra lệnh :
   - Theo tôi !
   Vừa vào đến phòng khách, chẳng cần mời mẹ con Trực một câu, người đàn bà ngồi xuống salon và hất hàm hỏi :
   - Các người đến đây với mục đích gì ?
   Không chịu được câu hỏi xấc láo, Trực trả lời ngay :
   - Chúng tôi đến đây để gặp cha tôi theo giấy của Ủy Ban Nhân Dân thành phố. 
   - À, thì ra là vậy ! Nhưng tôi báo cho biết chồng tôi giờ nầy đang bận công việc tại cơ quan. Tôi tiếp mấy người, có gì thì cứ việc nói ra nhanh rồi đi về ! 
   Trực định quay ra nhưng vợ và bà Chính níu tay giữ lại. Người đàn bà chủ nhà thấy vậy, hứ một tiếng và đổi giọng :
   - Muối đi thì ra ngay lập tức. Bà nói cho chúng bây hay, đây là lần duy nhất được bước chân vào nhà nầy ! Chồng bà đang bận, bà tiếp chúng bây. Muốn gì cứ nói :
   Bà Chính bắt đầu giận run người :
   - Chúng tôi chẳng cần gì ở cái nhà nầy, tôi được giấy báo đến để thăm chồng tôi sau hơn hai chúc năm đi tập kết !
   - Được, để tôi gọi chồng tôi cho mụ  nghe.
   Người chủ nhà bốc điện thoại quây số. Chừng mười giây sau đường dây kia lên tiếng và người đàn bà nói lớn qua điện thoại :
   - Có mấy người xưng là vợ con ông đang có mặt tại đây, ông có gì nhắn với họ không ?
  Vừa dứt câu, bà chủ nhà mở lớn điện thoại cho tất cả mọi người đều nghe, giọng của một người đàn ông :
   - Thì em tự giải quyết lấy, anh bận họp, có lẽ đến chiều tối cũng chưa xong ! Nếu họ cần gì thì cứ cho họ. Anh bận không thể gặp họ được.
   Bà Chính nghe giọng của chồng, tuy buồn và thất vọng nhưng cũng bình tĩnh nói lớn để ông Chính có thể nghe được :
   - Tưởng rằng tình vợ chồng vẫn còn một chút gì sau hơn hai mươi năm xa cách. Bây giờ không ngờ ông lại bạc tình bạc nghĩa như vậy thì tôi và thằng Trực cũng không còn gì để nói và cũng không cần phải đợi ông về làm gì.
   Người đàn bà chủ nhà vói tay bấm nút trên máy điện thoại mục đích không cho những người trong phòng khách nghe được lời đối thoại của người ở xa. Không biết ông Chính đã nói gì nhưng bà chủ nhà lớn giọng trả lời cốt để cho hai mẹ con bà Chính nghe :
   - Nếu ông đã nói vậy, thì tôi sẽ đuổi họ đi bây giờ !
   Trực gương mặt đỏ bừng, nổi giận :
   - Chẳng cần phải đuổi, chúng tôi không cần gì ở cái nhà và người cha cộng sản nầy !
   Bà chủ nhà mĩa mai :
   - Gia đình mầy cũng thuộc thành phần nằm vùng mà tại sao lên giọng chống đối nhà nước ? Bây giờ thì bà đã hiểu lý do tại sao chồng bà lại tuyệt tình với mấy người !   
   Biết người đàn bà trước mặt đang gài hình thức phản động để chấm dứt liên hệ gia đình. Trực bình tĩnh trả lời lớn tiếng :
   - Dân miền Nam và nhất là thành phần gia đình ‘cách mạng’ bao che cho bọn nằm vùng thật sự đã sáng mắt từ khuya rồi
  Vừa dứt câu Trực nằm tay bà Chính bước nhanh ra khỏi phòng khách.

  Sau chuyến đi thăm chồng về bà Chính tức giận tháo gở hết những bằng ban khen treo tường rồi cuốn chung với hình ‘bác Hồ vĩ đại’, rồi bảo Trực đốt thành tro và đổ xuống hầm cầu vệ sinh. Từ đó bà Chính buồn, không giao tiếp và chuyện trò với ai và đổ bệnh chết sau đó chừng vài tháng trong lúc Huệ gần đến ngày sanh…
   Trong biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, ông Chính ra mặt tích cực hướng dẫn các đơn vị đặc công Bắc Việt tiến chiếm vài cơ quan trọng yếu tại Sàigòn. Nhưng hoàn toàn thất bại nên ông đã chạy theo bộ đội rút vào bưng và tiếp theo được đưa ra qua vĩ tuyến 17 bằng đường mòn dọc theo dãy Trường Sơn. Sau khi đến Hà Nội, ông Chính được cho theo các khóa học về quân sự, tình báo và khủng bố nhằm đưa vào Miền Nam hoạt động sau đó. Trong thời gian nầy ông Chính cặp được một nữ cán bộ tên Đào, huấn luyện về kỷ thuật khủng bố, và từ lớp ngày tiến đến lớp bổ túc đêm…thì nữ cán bộ mang bầu. Cha của Đào là một cán bộ cao cấp của ủy viên trung ương bộ chính trị, tên Hoan, là một trong những người sẽ tuần tự đến phiên nắm chức vụ lãnh đạo đất nước nên ông không muốn trở thành mục tiêu đấu đá của tình địch khi tranh dành quyền lực. Trong lúc đó bà vợ giúp ý kiến rằng phải kiếm một người thân cận gia đình thuộc gốc miền Nam để mai kia có đủ vây cánh khi ông ra lãnh đạo đất nước. Từ đó ông Chính gặp phải vận hên, được gọi đến và chấp nhận cho làm con rể với cuộc uống máu ăn thề trung thành với gia đình vợ. Từ một tên nằm vùng hạng bét tại Sàigòn, chữ nghĩa vừa đủ đọc vài trang báo lá cải, ông Chính được tô son vẽ phấn thành một lãnh tụ miền Nam trước kia, được cấp thêm bằng đại học, cao học, từ văn hóa đến chính trị để có thể trở thành giám đốc, chủ tịch các cơ sở kinh tài và đảm nhận vài chức vụ quan trọng trong guồng máy cai trị. Ngày chiếm xong Sàgòn, ông Hoan vì chưa đến lượt nắm được quyền lực, ông không muốn ra quân tung người rể vào Nam vội mà phải chờ cơ hội thuận tiện, nghĩa là sau gần hai mươi năm, khi phe của ông thắng thế đã nắm quyền lực bên trong thì mới tung ông Chính vào giữa chức vụ chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi đi ông Chính phải thề hứa với cha vợ không được liên hệ gì nữa với người thân ngày trước đồng thời giao trọn quyền ‘xử lý’ cho Đào về tất cả mọi phương diện. Với chức vụ chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố xem như người số hai ở đây, vì ông Chính còn phải e dè kiêng nể tên chính ủy, tuổi đảng nó đã cao lại có thẩm quyền do trung ương bộ chính trị giao phó. Tên chính ủy nầy người gốc Bắc, có thành kiến với người miền Nam nên đã ganh ghét, kèm cựa và hạ độc thủ với tất cả cán bộ nào là người gốc miền Nam.
   Lấy nhau được mấy năm Huệ sinh cho Trực được một đứa gái thật kháu khỉnh nhưng sau đó chừng một năm nàng bị phải một bệnh trầm trọng mà các bác sĩ nhà nước đều tuyên bố bó tay. Nguyên nhân bệnh là ngộ độc thực phầm do ăn cơm tập thể của nhà máy tổ chức. Trưa đó, hàng trăm nhân viên đều bị độc, ói mữa. Tất cả đều được đưa vào bệnh viện, bác sĩ chỉ có hai người không đủ để khám cho từng cá nhân một và nhất là không đoán được nguyên nhân. Đến lượt Huệ thì nàng đã ngất xỉu và hôn mê mãi đến hai ngày sau mới tĩnh lại, gia đình đành phải đưa về trong lúc bệnh tình vẫn trầm trọng, lý do vì Trực hoàn toàn không còn khả năng để đóng tiền phòng, tiền bác sĩ và y tá cũng như hàng trăm lệ phí không tên khác theo tổ chức nhà thương của chế độ. Về nghỉ tại nhà, không thuốc, không chăm sóc, bệnh tình của Huệ càng ngày càng phát và sau đó toàn thân Huệ bị tê liệt hẳn một bên. Ngày phải nằm nhiều hơn đứng.
   Vào dịp cuối năm dương lịch, anh chị em giáo viên hy vọng cấp trên sẽ trả tiền nợ dạy phụ trội mà nhà nước còn thiếu từ hai năm nay, nhưng tất cả đều thất vọng sau khi nghe hiệu trưởng báo tin rằng, tình trạng ngân sách giáo dục vẫn eo hẹp cho nên năm nầy sở cũng không giải quyết được về các khoảng tiền phụ trội, tiền công tác cũng như tiền ‘bồi dưỡng’ mà nhà trường đã khất nhiều lần. Như vậy tháng 12 nầy vẫn không có gì thay đổi ngoài số lương căn bản tính theo chỉ số giáo viên cấp một, bậc hai. Dạy học dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa là một nghề bạc bẻo nhất, cây bút, viên phấn cuốn tập đều phải xử dụng theo tiểu chuẩn, muốn kiếm thêm tiền thì phải kiếm học trò để dạy thêm tại nhà vào buổi tối hay hợp tác với cán bộ giáo dục bán đề thi hoặc làm bài giùm cho thí sinh. Trong lúc Trực chỉ là một giáo viên tiểu học làm gì có cơ hội và khả năng bán đề thi hoặc chấm thi để kiếm thêm tiền. Hơn nữa còn bị các bạn đồng nghiệp miền Bắc chèn ép việc dạy thêm tại nhà do đó hoàn cảnh của Trực hoàn toàn rơi vào tận cùng khốn đốn. Với số tiền lương chết đói của một giáo viên, Trực chỉ đủ trả tiền nhà, điện nước và mua vài ký gạo để dành nấu cháo cho vợ và con sống qua bữa. Thương mẹ bao nhiêu thì càng hận người cha vô tâm bấy nhiêu, Trực xem như ông Chính đã mất tích từ ngày đi tập kết, không còn liên hệ máu mủ với một con người cộng sản. Sau lần gia đình đến thăm tại nhà, ông Chính không còn liên lạc gì với gia đình Trực kể cả hôm đám tang bà Chính. Cứ mỗi lần đốt nhang trước bàn thờ, Trực thường than thở tại sao ngày trước mẹ có thể thương yêu ôm ấp một người bạc nghĩa vô tình như vậy? Tại sao mẹ phải nhịn đói nhịn khát, chắt chiu từng đồng từng cắc để nuôi những tên cộng sản năm vùng để rồi có được kết quả ngày hôm nay mà gia đình phải gánh chịu? Bây giờ không chỉ một mình Trực mà ngay tất cả dân miền Nam đã sáng mắt ra trước tuyên truyền bịp bợm của đám người từ rừng chui ra…vừa cướp của vừa giết người dưới chiêu bài giải phóng đất nước!
   Trực đang điên đầu về tiền bạc vào những ngày cuối năm, nào tiền nhà, tiền điện nước, tiền cơm cháo cho vợ con thì một buổi tối bé Hoa khóc và xin một con búp bê biết đi, biết nói, biết khóc…như bé gái con một cán bộ ở đầu ngõ. Trực ứa nước mắt nhưng làm cách nào giải thích cho bé Hoa hiểu được nhà hoàn toàn không có khả năng mua một món đồ chơi xa xỉ như những gia đình triệu phú. Nhưng trước những giọt nước mắt của đứa con gái thân yêu, Trực chỉ biết an ủi :
   - Con biết không, nhà mình nghèo, ba không đủ tiền mua búp bê biết đi, biết nói. Ba sẽ mua cho con một búp bê loại cũ nhé ?
   Hoa òa lên khóc, lắc đầu :
   - Không , con chỉ thích búp bê biết đi biết nói biết khóc mà thôi !
   Trực đành trả lời cho qua chuyện :
   - Thôi được, con phải ngoan, phụ với mẹ trong lúc ba vắng nhà, ba sẽ mua cho con...
   Hứa vậy nhưng lấy tiền đâu để mua quà ! Sau một đêm thức trắng Trực quyết định đi làm thêm ban đêm để kiếm một chút tiền cho những ngày sắp đến cũng như mua quà cho con. Nhưng làm gì bây giờ ? Buôn bán làm ăn đòi hỏi phải có vốn, nếu làm thuê vác mướn thì phải có sức khỏe. Người Trực như con mắm, ai dám nhận một chân vác hàng hằng đêm tại các vựa trái cây, chợ cá. Ở đây họ cần người có sức khỏe để có thể vác những cần xé nặng hàng chục ký lô. Nhưng qua yêu cầu khẩn thiết, một chủ vựa nguyên có liên hệ gia đình với bà Chính đã nhận Trực với một điều kiện là phải nhanh nhẹn và dai sức giống như những trai trẻ khỏe mạnh khác. Nhưng làm được hơn một tuần, người Trực như rã ra từng mảnh, tay chân tê hẳn và không còn sức để đứng trên bục ngày hai buổi như thường lệ. Một người đồng nghiệp thông cảm hoàn cảnh mách nước cho Trực kiếm tạm việc giao quà giáng sinh vào giờ tan lớp, ban đêm cũng như cuối tuần. Một ý kiến hay nhưng lấy đâu bộ áo ông già Noël và xe gắn máy để được các cửa hàng chấp nhận việc nầy? Trực đem chuyện nầy bàn với Huệ, Huệ thấy có lý và đề nghị với bà thợ may ở cuối hẽm mua tạm miếng vải đỏ may cho Trực áo, chiếc nón và hàm râu giả đồng thời thuê giờ xe gắn máy để đi giao hàng. Không ngờ giải pháp nầy được hai cửa hàng chấp nhận sau khi Trực nói dối rằng Trực làm nghề chạy xe ôm. Công viện nầy chỉ có thể kéo dài trong vòng vài tuần lễ, Trực phải lợi dụng tối đa thời gian để giao thật nhiều gói quà giáng sinh biếu qua biếu lại của những gia đình mới giàu học làm sang, nhất là giữa đám đảng viên cán bộ lớn nhỏ với nhau.
   Mùa giáng sinh và Tết Nguyên Đán là cơ hội của những gia đình cán bộ đảng viên, nhất là đám ngợm mới giàu một cách thần thánh sau nầy vì đây là thời điểm chứng tỏ sự văn minh giàu sang và cũng là cơ hội cán bộ lớn tham nhũng và cán bộ nhỏ chạy chọt đút lót. Do đó mỗi năm đến mùa nầy cảnh giao quà thật náo nhiệt qua hình ảnh các ông già Noël mặc áo đỏ, mang râu trắng chạy xe gắn máy đầy đường phố từ mờ sáng đến tận giữa khuya. Có lẽ chủ công ty thấy Trực có vẻ hiền lành và cẩn thận nên sau vài chuyến giao hàng ho tin tưởng và cho Trực phụ trách những gói quà giá trị với tiền thưởng thật cao. Trực không cần biết gì bên trong, có gói thật nặng và lớn hoặc đôi khi chỉ là một gói nhỏ nhưng chủ cửa hàng lúc nào cũng cẩn thận giữ lại thẻ chứng minh nhân dân để bảo đảm sự thất thoát. Một vài trường hợp hy hữu giúp Trực kiếm được thêm tiền nhờ vào việc giao hàng : đem quà đến cho một gia đình cán bộ nầy thì được nơi đây trả thêm tiền bằng cách mang món quà nầy biếu lại gia đình cán bộ cao cấp khác sau khi đã thay hộp cũng như tấm danh thiếp với những lời chúc mừng mới ! Nhờ đóng vai ông già Noël qua việc giao quà Giáng Sinh , chỉ trong vòng hai tuần đầu, tiền thuê bao từng cuốc và tiền thưởng của khách hàng , Trực cũng kiếm được gần nửa số tiền lương tháng. Như vậy đã giải quyết phần nào thiếu hụt của gia đình và nhất là có thể mua quà cho bé Hoa.    

   Sau khi mua vài ký gạo và một í dưa cải muối dành cho dịp lễ và Tết Dương Lịch, với số tiền còn lại Trực không thể mua một búp bê theo ý thích của bé Hoa. Chỉ còn một cách tìm mua hàng cũ hoặc đồ sản xuất của Tàu. Cho con đồ cũ đã hư hỏng thì Trực không đành, vậy, chỉ còn cách tìm hàng 'nhái' nhâp lậu tử Tàu cộng. Theo người bán hàng, các hình thức bên ngoài của búp bê cũng đần đủ theo yêu cầu như biết đi; nói và khóc, nhưng Trực cũng biết rằng chừng vài ba ngày sẽ chấm dứt hoạt động. Tuy rằng hàng 'nhái'  sản xuất từ Tàu cộng, nhưng muốn mua một búp bê đủ các động tác đi, nói, khóc...chắc chắn Trực phải rốc hết túi, kể cả tiền lẻ để làm quà giáng sinh cho con như những đứa trẻ gia đình khác. ề đến  nhà thì trời quá khuya, bé Hoa đã ngủ nhưng Huệ vẫn còn thức chờ chồng. Trực cho Huệ biết quà của con, để vào chỗ nằm của Hoa  rồi hâm cháo và đút cho vợ ăn trước khi ngủ.
   Huệ thức dậy đã thấy  bé Hoa ngồi sát bên mình, tay mân mê búp bê và bấm nút sau lưng để nghe tiếng cười, tiếng khóc giọng Tàu phát ra liên tục. Huệ âu yếm hỏi :
   - Thích không con ?
   - Dạ thích.
   Nói xong nó chui vào mền nằm với Huệ, hay tay vẫn ôm chặt búp bê, lâu lâu bấm các nút và cười nói theo một cách thích thú.   

   Sáng nay, 24 tháng chạp, vừa thứa dậy, bé Hoa nhìn mẹ đang co ro trong tấm chăn mỏng, bỗng dưng nó khóc và nói với Trực :
   - Ba ! Con muốn ba bán con búp bê nầy đi !
   Trực vừa dắt chiếc xe đạp ra cửa chuẩn bị đi làm, quay lại nhìn con, bất thần hỏi lại :
   - Tại sao vậy ?
   Hoa trả lời trong tiếng khóc :
   - Bán con búp bê nầy lấy tiền mua cho má một cái mền. Má đang lạnh !
   Trực giật mình, dựng chiếc xe vào vách, đến sát bên con âu yếm nói nhỏ :
   - Con giữ lấy để chơi, ba sẽ mua cái mền mới cho má sau.
   - Con không chơi nữa, ba bán lại cho người khác để mua mền cho má.
   Sợ trể giờ đến lớp, Trực buộc lòng gật đầu và lấy con búp bê để chung với bộ áo ông già Noël trong túi xách, lên xe đạp ra đường hẻm. Trên đường đi Trực quyết định cách nào cũng gìữ con búp bê làm quà cho con và chiều nay, trước khi chạy giao hàng Noël, Trực sẽ ghé qua chợ mua một chiếc mền bông để làm quà cho Huệ trong dịp lễ Giáng Sinh nầy.

   Vừa ra khỏi lớp, chạy thuê chiếc xe gắn máy và mua mền xong, Trực đến công ty dịch vụ quà Noël. Người chủ cho hay :
   - Anh may mắn có một gói quà rất đáng giá, phải giao tận tay trước mười giờ tối nay. Người ta trả công cao gấp hai lần so với những món quà thường lệ. Tôi ưu tiên dành cho anh nhưng anh phải bảo đảm giữ gìn cẩn thận, nặng gần hai ký lô. Vừa thoáng thấy, không có tên người gởi mà chỉ có người nhận là ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân dân Thành phố HCM. Trực giật mình vì người nhận chính là người cha bội bạc đáng ghét. Trực trả gói quà cho người chủ :
   - Cám ơn ông, tôi không thể giao món quà nầy !
   Người chủ ngạc nhiên :
   - Tại sao ? Tôi thấy anh làm việc đàng hoàng, có khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng nên tôi dành việc nầy cho anh. Tiền công gấp hai, tại sao lại từ chối ? Thôi tùy anh, không muốn thì tôi sẽ giao cho người khác.
   Vì tiếc một số tiền lớn, Trực đổi ý :
   - Vâng xin ông, tôi nhận.
   Trực định bụng đêm nay chỉ đem gai ba món quà, thời giờ còn lại để dành cho gia đình. Món quà đầu tiên bất đắc dĩ phải đưa đến người cha thù hận, không biết do ai tặng và vật quý giá gì trong đó. Hai món quà tiếp theo là do tình thương, mồ hôi nước mắt của người cha, người chồng dành riêng cho vợ và con. Anh muốn về nhà sớm tối nay, do vậy sau khi cẩn thận để gói quà của ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân dân Thành Phố giữa chiếc mền bông và con búp bê vào túi đeo vai, Trực chạy thẳng xe đến dinh chủ tịch thành phố. Tại đây đã có chừng một chục người, trong đó có vài ông già Noël mặc áo đội nón đỏ mang râu trắng giống Trực đang xếp hàng chờ đến phiên vào gặp đám bảo vệ gác cổng. Có lẽ vì thói quen nhận quà thường xuyên, đám bảo vệ không hạch hỏi gì nhiều, chỉ nhìn sơ rồi để qua một bên. Đến phiên Trực cũng vậy, nhưng sau khi giao xong món quà, Trực ấp úng :
   - Xin anh cho một biên nhận !
   Tên bảo vệ nhìn Trực cười lớn :
   - Không biết ông chủ tịch có thèm nhận quà do mấy đem đến hay không mà đòi biên nhận. Có điên không ?
   - Dạ, nghe công ty bảo là món quà đắt giá, tôi sợ...
   - Sợ cái con mẹ mầy. Sợ thì cầm về đi !
   Một tên khác, có lẽ là trưởng toán khoát tay ra lệnh :
   - Để gói quà lại ! Mầy đi đi, không biên nhận gì cả !
   Cũng may công ty không đòi giấy tờ chứng minh. Thôi thế cũng xong. Trực quay hướng xe về Gò Vấp và sau khi qua khỏi cầu chạy về hướng Gia Định, anh nghe một tiếng nổ thật lớn sau lưng, phía Sàigòn. Đường phố trở nên nhốn nháo, có người lo lắng cho rằng bọn phản động phá hoại, nhưng một ít vui ra mặt, ghé sát nói nhỏ vào tai nhau : súng nổ, đổi đời rồi đó...
   Trả xe gắn máy xong, Trực về đến nhà trong lúc giáo dân chuẩn bị đến thánh đường dự lễ Giáng Sinh. Hoa và Huệ vẫn còn thức đợi Trực, hai mẹ con nhận quà xong rồi gia đình ăn qua loa và chuẩn bị lên giường ngủ. Trực nghe tiếng hát từ giáo đường văng vẳng từ xa ' vinh danh Thiên Chúa Trên Trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm' . Tuy không đi đạo nhưng Trực cám ơn lễ Giáng Sinh hàng năm vì dịp nầy anh cũng kiếm được một số tiền, như năm nay, gần bằng số lương hàng tháng.

   Gần sáng, trong lúc vợ và con đang ngủ say, Trực nghe nhiều tiếng xe và người ngoài ngõ. Bỗng anh giật mình khi nghe tiếng chân người đạp vào tấm cửa gỗ và tiếng lên cò súng :
   - Thằng Trực đâu ? Ra đây !
   Trực xuống giường nhìn qua khe hở vách ván, ba xe cảnh sát đang nổ máy và một toán công an đứng ngay trước cửa, đang chĩa súng vào nhà. Tên xếp công an la lớn :
   - Mau mở cửa, chậm trể công an sẽ bắn vào nhà...
Trực hoảng hốt trả lời :
   - Tôi mở ngay.
   Cửa vừa mở, ba tên áo vàng đã xông vào dí súng vào đấu, trói ngược tay Trực và đẩy ra xe.
   Trực phản đối :
   - Tại sao bắt tôi ? Tôi có tội gì ?
   Tên trưởng toán đập ngay bá súng vào ót Trực và gắt :
   - Tội gì à ? Về sở rồi biết.
   Xe chạy ngược về hướng Sàigòn và dừng trước phòng trực sở công an thành phố. Vừa vào phòng, Trực đã thấy lố nhố một số đông công an và khoảng gần cả trăm người vừa bị bắt vào, trong đó chừng một chục người đang mặc áo Noël. Người ta kéo Trực vào thẳng phòng trong. Tên sĩ qua công an vừa thấy bóng Trực, tay đập bàn hét lên :
   - Thằng phản động ! Mầy đã đặt chất nổ giết chết gia đình ông chủ tịch !
   Bây giờ Trực mới hiểu lý do công an đến còng tay sáng nay tại nhà. Như tiếng sét đánh ngang đầu nhưng Trực vẫn bình tĩnh :
   - Thưa ông, tôi không hiểu ông nói gì và tại sao bắt tôi !
   Tên sĩ quan lớn tiếng :
   - Ai ra lệnh cho mầy đem quà đựng bom đến nhà ông chủ tịch ?
   - Tôi giao hàng lấy tiền công. Gói quà do công ty ra lệnh đưa đến tư dinh ông chủ tịch. Có gì xin ông hỏi thẳng công ty.
   Tên công an nhìn xuống tờ giấy để trước mặt, dằn mạnh từng tiếng :
   - Sở công an đã làm việc với công ty, họ xác nhận không làm việc với mầy và cũng không hề biết mầy !
   Đang lúc đó, một sĩ quan khác bước vào, tên đang lấy cung vụt đứng dậy đưa tay chào theo lối nhà binh :
   - Kính chào đồng chí thủ trưởng.
   Vừa nói xong, hắn đứng sang một  bên, khúm núm nhường chỗ cho tên mới vào. Tên thủ trưởng nhìn Trực từ đầu đến chân, bắt đầu lên tiếng :
   - Thẩm vấn mầy đã có nhân viên phụ trách. Tao chỉ hỏi mầy câu nầy : mầy biết ông chủ tịch thành phố là cha mầy thì tại sao mầy đem bom đến giết cả nhà ông ta ?
   Trực vẫn dứt khoát :
   - Tôi là người giao hàng lấy tiền công. Tôi không biết gì về cái chết của ông chủ tịch. Tôi đem gói quà đến tư dinh ông chủ tịch cũng như những khách hàng khác mà tôi làm trên mấy tuần nay.
   - Láo ! Ông chủ tịch là cha mầy phải không ? Mầy trả lời tao câu nầy.
   Trực xác nhận :
   - Đúng, ông là cha tôi nhưng đã từ bỏ gia đình từ năm Mậu Thân 1968, tôi không còn xem ông ta là cha của tôi  nữa !
   - Vậy mầy ra tay giết ông chủ tịch là vì tư thù ?
   - Không ! Thế lực nào giết thì tôi không biết, tôi chỉ làm công việc giao hàng để kiếm tiền.
   - Thế khi đem hàng đi giao mầy biết gói quà đựng gì bên trong không ?
   - Không !
   - Một câu hỏi chót, mầy ân hận vì đã giết cha ruột mầy không ?
   - Hoàn toàn không !
   Tên thủ trường giận dữ :
   - Tại sao ?
   - Vì ông ta là một  người cộng sản. Tôi đã sáng mắt thì ông ta không xứng đáng là cha của tôi !
   Thủ trưởng quay qua tên thẩm vấn và ra lệnh :
   - Tạm đủ, không cần khai thác thêm nữa. Giam nó lại.
   Trực bị còng tay và kéo ra khỏi phòng.
   Tên thủ trưởng ra lệnh cho sĩ quan thẩm vấn :
   - Giết và thủ tiêu xác nó tức khắc theo lệnh của văn phòng Bí Thư Thành Ủy.

  Sáng hôm sau, các báo tại Sàigòn đưa tin :

  Bọn thù nghịch ngoại bang lợi dụng cơ hội chúc mừng ngày Giáng Sinh, chúng gài gần hai ký chất nổ tự động trong gói quà đem tặng Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân dân Thành Phố ngay trong đêm 24 tháng 12. Thủ phạm là một tên du đảng đầu đường xó chợ bị ngoại bang mua chuộc, tội phạm sẽ được nhà nước xét xử trong nay mai...

Đinh Lâm Thanh
Paris, 16.12.2013
* Nguồn : Hội Văn Hóa Người Việt Tự Do – http://www.hvhnvtd.com 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét