Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

VAI TRÒ HỘI ĐOÀN Ở HẢI NGOẠI


 
                                Vai trò Hội đoàn ở Hải ngoại
Trần Văn Tích
Ngày thứ năm 08.08.2013, Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức trao tấm ngân phiếu 5.183,56 Âu kim cho Đại diện tổ chức Aktion Deutschland Hilft với sự chứng kiến của ông Thị trưởng cựu thủ đô Bonn, Jürgen Nimptsch. Số tiền lạc quyên này nhằm góp phần yểm trợ tái thiết sau lũ lụt tại hai miền Nam và Đông nước Đức tháng sáu vừa qua. Nhân dịp này, một nữ phóng viên đã đặt câu hỏi với tôi về vai trò của Liên Hội. Câu trả lời phải ngắn gọn. Tôi đã trình bày hai nhiệm vụ chính của Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức : giữ chức năng Netzwerk giữa những đồng hương tỵ nạn cộng sản sinh sống trên quê hương của Goethe, của Schiller đồng thời hướng về quê hương dốc sức tiếp tay đấu tranh cho tự do dân chủ. Chữ Netzwerk tôi học được trong không khí sinh hoạt chính trị trên đất Đức và dựa vào qui chế các hiệp hội theo luật pháp Đức. Chữ này rất khó dịch. Chuyển sang tiếng Anh, chúng ta có network, netting, chuyển sang tiếng Pháp chúng ta có entrelacs. Nhưng tôi chưa tìm được đơn vị từ ngữ tương đương trong Việt ngữ. Netzwerk là một hình thức “bện“ – các dây điện chẳng hạn – lại với nhau, theo thuật ngữ chuyên nghiệp về điện học. Quan niệm cá nhân của tôi về chức năng các Tổng hội, Liên hội, Tập thể, Cộng đồng v.v..căn cứ vào thực tế cuộc sống lưu vong của mấy triệu đồng bào Việt Nam.

Lưu vong vốn là một hiện tượng bất thường trong lịch sử nhân loại và lý do thúc đẩy lưu vong có thể rất khác nhau. Chung qui có hai nguyên nhân khiến con người phải lìa bỏ quê hương : hoặc để xa lánh phủ nhận một chế độ chính trị hà khắc bạo ngược hoặc để mưu cầu một cuộc sống kinh tế vật chất khả quan. Chẳng hạn các sắc dân Trung Hoa, Nhật Bản sang sinh sống ở Hoa Kỳ là những di dân; trong quá khứ tổ tiên họ đã rời bỏ Á châu sang Mỹ chỉ vì lý do cơm áo. Nhưng người Việt chúng ta hiện nay thì lại khác. Chúng ta bỏ nước ra đi vì không chấp nhận cái chế độ thú tính cờ đỏ sao vàng. Chúng ta bỏ nước ra đi để thoát nạn hủy diệt do bạo quyền cộng sản. Chúng ta bỏ nước ra đi nhằm tố cáo trước thế giới tội ác của Việt cộng và để tiếp tay với đồng bào trong nước đấu tranh loại bỏ bạo quyền toàn trị, kẻ thù của tiến bộ và nhân đạo.
Tập thể lưu vong tỵ nạn cộng sản Việt Nam có một số thành phần tiêu cực bi quan thường đả kích tính thiếu đoàn kết của cộng đồng đồng hương ly hương tỵ nạn. Họ có xu hướng chê bai bài bác những xung khắc giữa các hội đoàn, đoàn thể, mặt trận, liên minh. Tệ hơn nữa, họ cho rằng sở dĩ như vậy là do cái gọi là Nghị quyết 36. Thật ra đây chỉ là cái giá phải trả cho lưu vong, cho ly hương, cho vong mệnh, cho lữ thứ mà diaspora nào cũng phải trả, mặc dầu các cộng đồng lưu vong liên hệ chẳng hề biết đến Nghị quyết hay Quyết nghị nào hết. Tác phẩm Người Trung Hoa xấu xí của Bá Dương cực tả tính rời rạc lỏng lẻo của cuộc sống tập thể nòi Hán. Trong thực tế, không có nhân vật đối kháng nào rời bỏ Hoa lục sang sinh sống ở nước ngoài trở thành lãnh tụ cả : Ngụy Kính Sinh? Liêu Diệc Vũ? Trần Quang Thành? Ngải Vị Vị? Nhóm Pháp luân công có tập hợp được lực lượng – có thể do yểm trợ ngấm ngầm của Đài loan – để đạt đến thành công khi truy tố tội ác các lãnh tụ Trung cộng trước các pháp đình cấp quốc gia chấp nhận universal principle; tuy nhiên không hề thấy họ tôn vinh cá nhân nào làm minh chủ. Các truyện dài của Saül Bellow, giải thưởng Nobel 1976, miêu tả xã hội người Do thái di dân và các tranh chấp trong cộng đồng ly hương nơi những thành phố lớn1. Thủ đô tỵ nạn Cuba ở Miami có hàng mấy chục nếu không là hàng trăm hội đoàn tranh đấu. Tán trợ chính quyền Hoa kỳ cấm vận Cuba hay chống đối chủ trương này khiến nhiều nhóm Exil-Cuban kình chống nhau đôi khi khá kịch liệt2. Trên cương vực đảo quốc, nhóm phản kháng Convergencia Democratica chật vật đi tìm một thủ lãnh. Ngay trong một tập thể chuyên môn nhỏ như nhóm các nhà văn Nga lưu vong ở Pháp sau khi cộng sản cướp quyền mà cũng chẳng hề có đoàn kết, theo Georges Nivat trên Magazine Littéraire số 221.
Nhưng nói chung các phe phái, nhóm hội lưu vong thuộc cộng đồng tỵ nạn cộng sản Việt Nam vẫn có một mục tiêu thống nhất là thay thế chế độ cộng sản bằng một chế độ dân chủ; chúng ta vẫn cùng chia sẻ một ý thức hệ duy nhất là chính nghĩa quốc gia; chúng ta cùng theo qui ước bất di bất dịch là đấu tranh dưới bóng quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà nền vàng ba sọc đỏ và trong tiếng quốc ca Tiếng gọi Công dân và chúng ta hầu như cùng có chung những bạn bè : Hoa kỳ, Liên Âu, các thể chế dân chủ khác.
Trong thế trận chống cộng ở ngoài nước hiện nay, vai trò các tổ chức mang chức năng Netzwerk là không thể thiếu. Nhưng điều quan trọng là phải minh định cho rõ vai trò của những tổ chức này.
Do cung cách sống phân tán và pha trộn với các sắc dân khác, do tâm lý của con người lưu vong, do bản thể của thân phận mất nước, các hội đoàn, liên hội v.v..do tập thể tỵ nạn cưu mang trước hết không thể tự xem hay được xem là đại diện. Ví dụ một thiết chế tự xưng Cộng đồng Người Việt Quốc gia Hoa Kỳ không thể nào mạo hiểm, liều lĩnh bảo rằng mình thay mặt cho đa số, thậm chí cho tất cả mấy triệu đồng bào Mỹ gốc Việt3. Thứ nữa, các tổ chức qui tụ một số cá nhân, một số thành phần dân tộc không thể nào tự ban cho mình vị thế lãnh đạo, chỉ huy; bởi lẽ các hội đoàn, liên hội, tổng hội ra đời không thông qua một tiến trình phổ thông đầu phiếu nào cả và sở dĩ như vậy vì tiến hành phổ thông đầu phiếu là việc bất khả thi.
Do đó, tôi quan niệm nhiệm vụ của Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức – chẳng hạn – là môi giới, là trung gian giữa một bên là khối đồng bào tỵ nạn đang sinh sống trên đất Đức và bên khác là những đối tượng mà khối đồng hương người Việt cần tiếp xúc, liên lạc. Cụ thể như trong vụ lạc quyên cứu trợ lũ lụt mà tôi đề cập đến ở đầu bài viết này, có người đóng góp năm Âu kim, có tổ chức đóng góp hàng ngàn Âu kim. Các cá nhân và tổ chức liên hệ không thể trực tiếp đến văn phòng ông Thị trưởng cựu thủ đô Bonn để giao tiền cho cơ quan hữu trách. Liên Hội đứng ra làm thùng tiền ủng hộ để nhận tiền rồi sau đó, để chuyển giao tiền cho nơi đáng chuyển giao.
Nghĩa khí không chịu hợp tác với kẻ thù, lòng trong sạch không muốn sống chung cùng lũ người tàn bạo, chủ tâm không muốn để cái nhơ nhuốc dây bẩn đến mình; tất cả những điều đó đã đưa đến tâm trạng lưu vong rời xứ. Nhưng nhìn cảnh một em nữ sinh viên chỉ vì nói giúp mình tâm trạng vừa kể qua những phát biểu vào loại Đảng cộng sản hãy chết đi, Tàu khựa hãy cút đi mà phải lâm vòng lao lý thì hẳn chúng ta, dù ở Mỹ, ở Âu hay ở Úc, đều muốn vì em mà hành động và nếu có thể, thì hành động qua liên kết, qua hợp lực. Vì vậy chúng tôi – Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tự Do tại Pháp (Phan Khắc Tường), Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ (Đỗ Văn Hội), Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu (Võ Trí Dũng), Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoà Lan (Nguyễn Đắc Trung), Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Na Uy (Trần Hồ Chánh Trung), Cộng Đồng Người Việt tại Liège, Vương quốc Bỉ (Lê Hữu Đào), Hội Người Việt Quốc Gia Lausanne, Thụy Sĩ (Trần Xuân Sơn) và Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức (Trần Văn Tích) – đã đồng ý cùng ký tên chung vào một bức thư gửi ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cùng tất cả các quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc để yêu cầu cơ quan này bác bỏ mưu toan của chế độ cộng sản Việt Nam nuôi ý định xin gia nhập Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Xin ghi chú rằng 1) tại hai quốc gia Bỉ và Thụy sĩ, do bối cảnh sinh hoạt đấu tranh chính trị đặc biệt, hiện không có tổ chức nào hoạt động ở cấp quốc gia mà chỉ có những hội đoàn ở cấp thành phố, thị xã; 2) cơ may thành đạt của lời thỉnh cầu ngăn chận Việt cộng gia nhập Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc rất thấp, dẫu rằng có vô số bằng chứng cộng sản Việt Nam chà đạp nhân quyền, vì lẽ các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chủ yếu dựa vào quyền lợi chính trị-kinh tế. Tuy thế, chúng tôi quan niệm việc cần làm thì phải làm. 
Làm việc dựa vào một cung cách sát cánh tương đối chặt chẽ như vừa phác hoạ và căn cứ vào tâm trạng giống nhau của hầu hết đồng hương lưu vong tỵ nạn, một mặt chúng tôi hy vọng cất lên được phần nào tiếng nói của khối người Việt đang rất xa xứ về địa lý mà vẫn rất gần nhà về tâm lý; mặt khác, tìm được đáp số – trong một chừng mực nhất định và theo một con đường vòng – cho bài toán lãnh đạo, chỉ đạo, lãnh tụ, thủ lãnh, minh chủ; một bài toán mà thực chất là một phương trình vô nghiệm.
20.08.2013
1Saül Bellow : nhà văn Mỹ hiện đại, sinh năm 1915 ở Canada, mất năm 2005 ở Hoa kỳ. Bellow trải qua tuổi thơ trong các cộng đồng di dân/tỵ nạn Ba lan, Nga, Ý, Hy lạp, Ukraine. Học nhân chủng học, xã hội học và văn học ở Mỹ. Năm lần ly dị, cuối đời sống với bà vợ trẻ hơn mình ba mươi tuổi. Viết truyện ngắn, kịch, tiểu luận, tiểu thuyết. Miêu tả xã hội những người Do thái lưu vong, tủi nhục, luôn bị ám ảnh bởi các vấn đề của người Mỹ Do thái và những người trí thức Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu. Các nhân vật của Bellow thường có tâm hồn khằc khoải, cô quạnh, không thông cảm được với xã hội; nhưng tác giả vẫn tôn trọng giá trị con người và có hoài bão nhân đạo. Tiểu thuyết Seize the Day (Sống từng ngày) nói về người Mỹ Do thái. Ba cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới là The Adventures of Augie March (Những cuộc phiêu lưu của Augie March) toát lên tâm trạng lạc quan; Henderson, The Rain King (Henderson, Vua mưa) và Herzog (Herzog) có nhiều nét tự truyện, nói về đời sống nội tâm của một trí thức Mỹ gần như bị bệnh tâm thần. Tác phẩm cuối đời Ravelstein (Ravelstein) phác hoạ chân dung nhân vật Abe Ravelstein, một giáo sư đại học đồng tính luyến ái, chết vì bệnh AIDS. Tuyên cáo tiêu biểu của Bellow : No Jew could really grasp the tradition of English literature (Chẳng có người Do thái nào có thể thực sự thấu triệt được truyền thống văn học Anh ngữ). Nhận định liên quan đến nội dung tranh chấp trong cộng đồng ly hương Do thái tôi ghi theo Philippe van Tieghem trong Dictionnaire des littératures A-C, PUF, 1984, trang 402 : “peintre sans indulgence des rivalités qui opposent les différents immigrants dans les grandes villes américaines“.
2Max Lesnik cầm đầu một tổ chức chống lại chủ trương của Hoa Kỳ phong toả Cuba. Trái lại, CANF (Cuban-American National Front) của bố con Jorge Mas Canosa-Jorge Mas Santos hô hào phải cấm vận Cuba qua thường xuyên làm áp lực lên chính giới Hoa kỳ nhằm gây ảnh hưởng vào việc dự thảo biểu quyết các đạo luật liên hệ tới mối giao thiệp Mỹ-Cuba tại quốc hội. Tháng 07.1998, Thượng Nghị sĩ Dân chủ Christopher Dodd đệ trình quốc hội một dự thảo luật theo đó trong trường hợp Hoa kỳ phong toả kinh tế một quốc gia xung khắc thì thực phẩm và dược phẩm phải được xem là ngoại lệ, nghĩa là không bị biện pháp phong toả chi phối. Dự luật được quốc hội thông qua. Nhưng CANF đấu tranh mạnh mẽ và cuối cùng dự luật chỉ được biểu quyết chấp thuận với một điều khoản bổ sung : Cuba không được hưởng chế độ nới lỏng phong toả thực phẩm dược phẩm. Nhưng rồi do tình hình chính trị thay đổi, tu chính án này không tồn tại được lâu.
3Sự kiện ở Hoa Kỳ có ít nhất bốn thiết chế xem như có chức năng tập hợp đồng bào tỵ nạn (một Nghị hội và ba Cộng đồng) là hiệu quả phải có của hoàn cảnh sống lưu vong; tất phải như thế, không thể khác được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét