Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Phương thức can thiệp cho tù nhân lương tâm



Đỗ Thị Minh Hạnh: Phương thức can thiệp cho tù nhân lương tâm
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 04 tháng 9, 2013
Tôi lấy hồ sơ của Đỗ Thị Minh Hạnh để dẫn chứng phương thức mà chúng tôi dùng để can thiệp cho các tù nhân lương tâm nói chung. Phương thức này vừa tranh đấu cho họ được tự do, vừa bảo vệ cho họ không bị trù dập trong khi đang còn ở tù.
Muốn vậy chúng ta vừa theo dõi thật sát từng hồ sơ để bất kỳ hành động trù dập nào trong nhà tù cũng đều bị phát hiện vào được báo động kịp thời đến các cơ quan Liên Hiệp Quốc, chính quyền các quốc gia, và các tổ chức nhân quyền quốc tế, vừa vận động quốc tế để tạo nên tình trạng thất sách cho chế độ.  
Trước hết, chúng ta cần phân bổ người để liên tục cập nhật và phối kiểm thông tin về mỗi tù nhân lương tâm qua ít nhất hai nguồn độc lập, trong đó phải có một nguồn thứ nhất (first source) -- nghĩa là từ một nhân chứng (chẳng hạn, qua lời kể của chính tù nhân, của thân nhân đi thăm nuôi hay của bạn tù). Các thông tin nhặt nhạnh qua internet, các bản tin trên đài phát thanh, trong báo chí… không hội đủ tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu này.
Kế đến, các thông tin được phối kiểm sẽ được dùng cho quốc tế vận để ngày càng thêm áp lực từ nhiều hướng lên chính quyền Việt Nam cho đến khi họ thấy rằng giam tù nhân lương tâm càng lâu thì càng thêm bất lợi về ngoại giao, mậu dịch, viện trợ, lòng dân... Và nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của sự trù dập, chúng ta sẽ báo động ngay các cơ quan LHQ và các cơ quan chính quyền hữu quan, cũng như chia sẻ thông tin với các tổ chức nhân quyền quốc tế để họ cùng tiếp tay.



Lấy hồ sơ của Đỗ Thị Minh Hạnh làm ví dụ, chúng tôi một mặt báo động các cơ chế nhân quyền của LHQ để họ lên tiếng trực tiếp với chính quyền Việt Nam về các hành vi trù dập trong nhà tù (cho tù hình sự hành hung, cưỡng bức lao động, làm nhục, từ chối dịch vụ y tế…), mặt khác liên kết với nhiều tổ chức nghiệp đoàn và tổ chức bảo vệ quyền lao động để đẩy lùi triển vọng Việt Nam được tham gia thương ước mậu dịch tự do “Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương” (TPP). Sau đây là một số công việc đã và đang chuẩn bị thực hiện:
- Cuối tháng 7: vận động dân biểu Hoa Kỳ đỡ đầu Đỗ Thị Minh Hạnh; báo động Uỷ Hội LHQ về Tình Trạng của Nữ Giới
- Giữa tháng 8: chuyển hồ sơ cho một số tổ chức bảo vệ quyền lao động để cùng vận động chính phủ Hoa Kỳ trong tiến trình thương thảo TPP với Việt Nam
- Cuối tháng 8: chuyển hồ sơ đến các báo cáo viên đặc biệt của LHQ về chống tra tấn và về sức khoẻ, báo động các tổ chức nhân quyền quốc tế để cùng lên tiếng can thiệp, và chuyển thông tin đến Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (xem đường link ở cuối bài)
- Đầu tháng 9: chuyển hồ sơ đến bộ phận nhân quyền trong Bộ Lao Động Hoa Kỳ và đến bộ phận lao động trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ 
- Giữa tháng 9: vận động các dân biểu, thượng nghị sĩ đẩy Việt Nam ra khỏi TPP trong lúc này

Ngoài ra, chúng ta còn phải trợ giúp về tài chánh cho gia đình của tù nhân lương tâm để họ có phương tiện đi thăm nuôi, lo thuốc men, và thường xuyên theo dõi tình trạng của thân nhân ở trong tù. Sự trợ giúp tài chánh này phải trường kỳ, cho đến khi tù nhân lương tâm được trả tự do, chứ không thể lấy lệ, mỗi người một ít tượng trưng. Từ năm 2008 đến nay BPSOS đã tài trợ tổng cộng trên 166,000 Mỹ kim cho gia đình của gần 50 tù nhân lương tâm và nhà tranh đấu bị lâm nạn. Đến nay một số người đã ra khỏi tù -- một số ở trong nước và một số đã ra hải ngoại. 
Các công tác kể trên hiện được tổng hợp thành lộ trình 3 bước để đòi tự do cho tất cả tù nhân lương tâm. Để thực hiện lộ trình này, chúng tôi kêu gọi những ai cùng quan điểm hãy thành lập các nhóm bảo trợ tù nhân lương tâm. Mỗi nhóm như vậy sẽ bảo trợ, tuỳ khả năng, một hay vài tù nhân lương tâm và sẽ ở lại với họ cho đến khi họ được tự do. Trong suốt thời gian bảo trợ, các thành viên trong nhóm sẽ:
(1) Tự mình đóng góp hay gây quỹ để tài trợ một ngân khoản nhất định hàng tháng cho tù nhân lương tâm -- xin liên lạc với chúng tôi khi chọn tù nhân lương tâm để tránh trùng lập với các nhóm khác;
(2) Thường xuyên liên lạc với thân nhân của tù nhân lương tâm để thăm hỏi, uỷ lạo, và động viên tinh thần;
(3) Nếu có dấu hiệu của sự trù dập thì thông báo cho chúng tôi biết gấp – chúng tôi sẽ hướng dẫn cho mỗi nhóm về tiêu chuẩn lấy tin;
(4) Nếu được, tiếp tay với chúng tôi vận động các vị dân cử ở các quốc gia tự do đỡ đầu cho tù nhân lương tâm do nhóm mình bảo trợ.
Khi cùng theo đuổi một kế hoạch với những mục tiêu cụ thể và thời điểm rõ ràng thì mỗi người, dù ở những phương trời khác nhau, vẫn có thể phối hợp hành động cho đại cuộc.
Nếu cần thêm thông tin, xin liên lạc bpsos@bpsos.org.
Bài liên quan:
Đỗ Thị Minh Hạnh – một trường hợp điển hình
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2728
Bảo Vệ Đội Ngũ Tiên Phong Của Nền Dân Chủ Tương Lai                http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2724

Posted on Wednesday, September 04 @ 11:50:50 EDT by ngochuynh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét