Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Vị quốc trưởng cuối cùng



Việt Nam thời tam đầu chế: Trần thiện Khiêm, Dương văn Minh, Nguyễn Khánh


Lịch sử Việt Nam có các triều vua. Lịch sử cận đại của phe quốc gia miền Nam có các vị tổng thống. Tổng thống Diệm, tổng thống Thiệu, tổng thống Hương và tổng thống Minh. Phe cộng sản miền Bắc Việt Nam thì có các chủ tịch nước.

Riêng miền Nam, qua thời thế thăng trầm chúng ta có thêm các vị quốc trưởng. Vua Bảo Đại sau thời gian làm cố vấn Vĩnh Thụy lại trở thành quốc trưởng, rồi đến quốc trưởng Phan Khắc Sửu. Tất cả quý vị nguyên thủ quốc gia đều đã qua đời. Bây giờ đến lượt vị quốc trưởng Nguyễn Khánh ra đi, hưởng thọ 86 tuổi.

Tôi xin viết đôi lời tiễn đưa niên trưởng. Bài viết trong tình quân ngũ. Tôi không biết nhiều về các uẩn khúc chính trị ngày xưa, nên miễn đề cập.Thời còn ở Việt Nam, tôi không có cơ hội gặp đại tướng Khánh. Năm 1976 anh em cùng làm việc tại học khu San Jose. Đại tá Anh Việt, Trần văn Trọng, đại tá Mã sanh Nhơn và tôi. Tôi vô tình nói ông Nguyễn Khánh cải lương bỏ mẹ. Làm sao mà lại đưa ra hiến chương Vũng Tầu để tự mình lên lãnh đạo. Rồi đến khi bị biểu tình lại ra hô đả đảo Nguyễn Khánh. Nghe tôi phát biểu linh tinh như thế, ông Mã sanh Nhơn giận tôi cả tuần. Gặp giờ nghỉ rủ đi ăn, anh Nhơn lầm lỳ lắc đầu. Nhạc sĩ Anh Việt nói nhỏ. Anh chẳng biết gì cả, Nhơn là chánh văn phòng của ông Khánh. Thì ra vậy. Tôi phải cáo lỗi với anh Mã sanh Nhơn và bắt đầu nghe chuyện bác Nhơn nói về đại tướng của ông. Bây giờ ông Trọng, ông Nhơn chẳng còn để ta tiếp tục nói chuyện về ông Khánh.
Gần 30 năm sau tôi mới có dịp gặp đại tướng Nguyễn Khánh trong buổi ra mắt sách của luật sư Lâm Lễ Trinh. Vị quốc trưởng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa được mời lên diễn đàn. Ông xin nhường cho bà Nguyễn Tôn Hoàn lên nói trước. Dù cũng đã già yếu nhưng nhà chính khách hào hoa đóng vai trượng phu đưa tay mời bà bác sĩ phó thủ tướng lên bục thuyết trình.
Chuyện cũ ai cũng biết là ông Khánh có thời mời bác sĩ Hoàn về làm phó thủ tướng, rồi cũng chính ông làm cho ông bà Hoàn buồn rầu trở lại Hoa Kỳ. Ông bà mở nhà hàng tại Bắc Cali. Chỉ mấy tháng sau đến lượt vị quốc trưởng cũng phải ra đi, mang theo một nắm đất và qua mở nhà hàng bên Pháp. Vật đổi sao rời, cả hai ông bà quốc trưởng và ông bà phó thủ tướng đều có dịp nấu bếp chạy bàn. Cuối năm qua tôi có dịp thăm chị Bình, nói chuyện về quốc ca, quốc kỳ, bà Hoàn cho biết, tháng tư 75, nấu ăn cho nhà hàng trong bếp, vừa lo món ăn cho khách vừa xem TV Mỹ, thấy bên ta thua mất từng thành phố, nước mắt hai hàng chẩy dài.
Ngày nay bác sĩ Hoàn ra đi từ lâu. Bà Nguyễn Tôn Hoàn ra đi tháng trước. Người phụ nữ hát bản tiếng gọi sinh viên lần đầu tại Hà Nội, đóa hoa cẩm chướng của Đại Việt đã bay về trời. Bây giờ đến lượt đại tướng Nguyễn Khánh cũng lên đường. Vị quốc trưởng cuối cùng đã ra đi.
Thời gian vốn vô tư, lạnh lùng, và rất công bình. Thời gian không đợi chờ ai. Dù là binh nhì hay đại tướng. Trong tình quân ngũ, có bài ca hát rằng từ “đơ dèm củ bắp mà lên trên đại tướng,  vẫn là huynh đệ chi binh. Bây giờ tôi xin kể chuyện buổi gặp gỡ niên trưởng Nguyễn Khánh tại viện Bảo tàng Việt San Jose. Mấy năm trước khi ông còn khỏe mạnh tôi hỏi rằng niên trưởng vẫn lái xe từ Sacto về đây.
-Thì moi vẫn lái đấy.
-Thế ai ngồi cạnh ông ?
-Thì vẫn bả người Hà Nội của toa đấy.
-Như vậy niên trưởng Nam Kỳ mà cũng chung tình quá.
-Nam hay Bắc cái thế thì phải thế.
-Như vậy là bắt buộc sao?
Ông không trả lời. Mắt có vẻ lườm người hỏi.
Quay ra chuyện ngày xưa, tôi khoe rằng viện bảo tàng có cái huy hiệu của GM Kontum, do nhà Drago của Pháp làm. Ông Khánh cho biết ngày xưa ông là sỹ quan Việt Nam đầu tiên chỉ huy chiến đoàn đặc nhiệm lưu động đó.
Ông cùng thời với các bạn là Cao văn Viên, Trần thiện Khiêm, Nguyễn Vă n Thiệu. Trong số các chiến hữu còn trẻ ở Secteur  Hưng Yên ngày xưa, quý vị niên trưởng của tôi về sau đều làm lớn cả. Đại tướng tổng tham mưu trưởng Cao văn Viên, đại tướng thủ tướng Trần thiện Khiêm, trung tướng tổng thống Nguyễn văn Thiệu và đại tướng quốc trưởng Nguyễn Khánh.
Quốc trưởng Phan khắc Sửu và đại tướng Nguyễn Khánh
Quốc trưởng Phan khắc Sửu và đại tướng Nguyễn Khánh
Tất cả quý niên trưởng của tôi đều là những người của thời thế. Xuất thân từ hàng ngũ quân đội Pháp rồi trở thành các nhà lãnh đạo đầu tiên của quân đội quốc gia. Trong số đó, ông Khiêm, ông Khánh là đôi bạn thân cận nhất. Trong kỳ binh biến lần đầu, cả hai đều là công thần cứu nguy cho tổng thống Diệm. Kỳ thứ hai thì cả hai đều đồng lòng lật đổ đệ nhất cộng hòa. Khi đảo chính thành công đến lúc phe tướng lãnh chia rẽ thì chính ông Khiêm ra tay dẹp anh em để đưa ông Khánh lên ngôi lãnh đạo. Dù tình nghĩa sâu đậm nhưng thế sự xoay vần, đến lượt ông Khánh đẩy bạn vàng là ông Khiêm đi làm đại sứ. Thời gian sau, chính ông Khánh lại bị các tướng trẻ mời xuất ngoại. Ông Khánh đi luôn, và ông Khiêm trở về. Rồi đến lượt ông Thiệu cầm quyền. Trong suốt thời kỳ đệ nhị cộng hòa, thực sự quyền hành trong tay tam đầu chế. Tổng thống Thiệu, tổng tham mưu trưởng Viên và thủ tướng Khiêm. Trở đi trở lại, cũng vẫn mấy ông. Trong số đó ông Thiệu lấy vợ Mỹ Tho, ông Khiêm lấy vợ Rạch Giá, chỉ có mình ông Khánh lấy vợ Hà Nội. Thời gian gần đây, đôi bạn cũ ông Khánh, ông Khiêm có dịp gặp nhau tại vịnh Cựu Kim Sơn. Ông Khiêm có bà mới, nhưng ông Khánh vẫn còn ở với người xưa.
Trước khi ra đi khỏi cuộc đời, chàng trai Sài Gòn còn ở chung phòng với cô nàng Hà Nội. Phòng số 9 tại nursing home đặc biệt của bác sĩ Ngãi ở Los Gatos. Thường lệ vẫn có 2 giường dành cho 2 thân chủ một phòng. Trường hợp đặc biệt này có 2 ông bà quốc trưởng chung phòng 9 nút. Những ngày sau cùng, người đẹp Hà Nội khi tỉnh khi mơ nhưng thể chất vẫn còn mạnh. Ông ra đi mà nàng có lúc nói rằng anh Khánh đi làm. Chàng thì tỉnh táo nhưng thể chất đã yếu đi nhiều. Gia đình thân quyến rất muốn ông được yên tĩnh trong thời gian cuối của cuộc đời, nhưng chính trị chính em vẫn cố níu kéo.
Nhân nói chuyện chính trị, tôi chợt nhớ có hỏi niên trưởng Khánh rằng ông có biết thiên hạ dèm pha chuyện ông ra chấp chính với chính phủ lưu vong. Ông Khánh nói rằng. Moi là quốc trưởng thật, moi là đại tướng thật chứ có ra đóng tuồng giả đâu. Anh em có lòng họp mặt đông đảo mời moi ra nói chuyện quá khứ tương lai là moi sẵn sàng. Có lần anh đại tá Lộc là toa chứ ai, mời moi đến chơi với anh em, một hai trăm người, moi cũng đến chứ có làm vua làm quan gì đâu. Phải không.
Quả thực như vậy, mấy năm trước chúng tôi có mời niên trưởng Nguyễn Khánh đến dự ngày cuối năm. Chẳng hề có nghi lễ đón chào quốc trưởng. Chẳng hề có quân cách dành cho đại tướng. Từ Sacramento ông đến uống ly rượu huynh đệ chi binh. Như vậy là đủ tình chiến hữu. Tôi làm duyên hỏi xin ông cái huy chương Kim Khánh Bội tinh ông vẫn đeo trên cổ. Ông nói rằng không đi đâu mà vội.Moi còn sống để theo dõi vở tuồng đời qua những màn cuối. Cộng sản rồi sẽ tàn lụi hay đổi thay. Anh em ta sẽ có ngày. Nhưng tiếc thay ngày đó chưa đến mà ông đã đi rồi. Ngày xưa khi rời Việt Nam ông đem theo một nắm đất. Bây giờ ông ra đi cũng chẳng có lễ nghi dành cho vị nguyên thủ quốc gia. Gia đình muốn ông ra đi thật lặng lẽ, bình yên như một người chồng, người cha, người ông của tang quyến. Thân xác vị quốc trưởng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa sẽ thành tro bụi. Có thể sẽ trộn vào nắm đất quê hương ngày xưa ông mang theo mà thả trên biển Thái Bình Dương. Nếu thiên hạ cũng như tôi đã có lúc hỗn láo phê bình niên trưởng cải lương thì ông cũng đã đóng trọn vai tuồng đời lâu dài cho đến hồi chung kết. Bạn vong niên 90 của ông một thời lãnh đạo cũng chẳng còn ai.
Bạn 80 của tôi cũng dần dần vắng bóng. Ở đời này ai mà chẳng phải đóng tuồng đến hồi chung cuộc. Cải lương hay tân nhạc cũng thế mà thôi. Màn đã hạ rồi. Tiếc thương cho niên trưởng Sài Gòn chung tình với người yêu Hà Nội.
Bác Nguyễn Khắc Bình nguyên là tham mưu trưởng của tư lệnh Nguyễn Khánh phải yêu cầu bác sĩ Ngãi dành phòng số 9 cho phu nhân ở một mình. Đừng có cho ai vào thay thế nằm giường quốc trưởng. Năm xưa, bàn chuyện tử sinh khi lên hàng đại thọ, ông nói với anh em chuyện ngậm cười nơi chín suối. Giờ đây với chút tình chiến hữu, cũng xin tiễn đưa niên trưởng Nguyễn Khánh với một nụ cười. Phải chăng sống gửi, thác về.
Nguồn: Giao Chỉ/ Danchimviet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét